Phát biểu với báo giới tại sân bay ở Vienna (Áo), ông Grossi nêu rõ: "Thỏa thuận này đã giải quyết được vấn đề cấp bách nhất (với Iran) hiện nay, từ đó sẽ tạo cơ hội cho nỗ lực ngoại giao... để có thể đạt được các giải pháp mang tính bao trùm hơn". Ông nhấn mạnh thỏa thuận cho phép IAEA "có thể lưu giữ thông tin cần thiết đảm bảo sự nắm bắt liên tục" về chương trình hạt nhân của Iran.
Trước đó cùng ngày, Tổng Giám đốc Grossi và Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami đã ký một thỏa thuận cho phép các thanh sát viên của IAEA sử dụng các thiết bị giám sát lắp tại các cơ sở hạt nhân Iran, thay bộ nhớ dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được niêm phong và lưu trữ tại Iran và được hai bên giám sát chung. Thỏa thuận này được cho là giải quyết được một trong hai vấn đề gai góc trong các cuộc đàm phán bế tắc lâu nay nhằm khôi phục lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015). Ngoài ra, Iran cũng đồng ý sẽ tham dự cuộc họp của IAEA vào tuần tới tại Vienna. Dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán bên lề cuộc họp này.
Trong một tuyên bố chung, Tổng Giám đốc Grossi và Giám đốc Mohammad Eslami đã nhấn mạnh tới "tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau", đồng thời lưu ý rằng giám sát là một vấn đề cần được giải quyết "theo cách thức kỹ thuật".
Phản ứng về thỏa thuận giữa IAEA và Iran, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov đã hoan nghênh kết quả đạt được của ông Grossi trong chuyến thăm Tehran, đồng thời kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán với Iran. Viết trên mạng xã hội Twitter, ông Ulyanov nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi nối lại sớm nhất có thể các cuộc đàm phán tại Vienna về khôi phục JCPOA".
Trong khi đó, nhà đàm phán hạt nhân Enrique Mora của Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự với Nga.
Nhà lãnh đạo IAEA đến thăm Tehran sau những đề xuất về một thỏa thuận giữa Iran và IAEA về việc tiếp cận giám sát các cơ sở hạt nhân. Trước đó, ngày 7/9, cơ quan này đã công bố báo cáo nêu rõ nhiệm vụ thanh sát hạt nhân của họ tại Iran đã bị "suy yếu nghiêm trọng" sau khi Tehran đình chỉ một số hoạt động thanh sát của IAEA đối với các hoạt động hạt nhân ở nước này. Về phần mình, Tehran khẳng định minh bạch trong vấn đề hạt nhân, đồng thời kêu gọi cơ quan trên nên có thái độ khách quan đối với chương trình hạt nhân của nước này.