Trao đổi với báo giới ngày 26/8, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp, ông Pavlos Marinakis, cho biết kể từ ngày 1/5, lực lượng cứu hỏa nước này đã phải xử lý khoảng 4.000 vụ cháy rừng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau mùa Đông ấm nhất trong lịch sử và đợt nắng nóng tới sớm nhất từ trước đến nay, mùa Hè của Hy Lạp được đánh dấu bằng một loạt vụ cháy rừng, đỉnh điểm là vụ cháy bắt đầu vào ngày 11/8 gần thị trấn Marathon, cách thủ đô Athens 40 km về phía Đông Bắc. Đám cháy đã thiêu rụi khoảng 10.000 ha rừng, khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và buộc hàng nghìn người phải sơ tán khẩn cấp.
Hai tuần sau vụ việc nghiêm trọng trên, Chính phủ Hy Lạp đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc ứng phó chậm chạp và thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, người phát ngôn Marinakis khẳng định chính phủ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó. Ông nhấn mạnh thông qua việc sử dụng thiết bị bay không người lái giám sát, lực lượng chức năng chỉ mất 5 phút để triển khai máy bay chữa cháy và mất thêm 2 phút để huy động nguồn lực mặt đất để đối phó với "giặc lửa".
Ông Marinakis cũng cho biết chính phủ đã tăng cường lực lượng cứu hỏa và trang bị thêm máy bay để nâng cao khả năng ứng phó với cháy rừng. Hy Lạp đã tăng cường số lượng lính cứu hỏa lên tới hơn 17.200 người, đồng thời bổ sung nhiều phương tiện chữa cháy trên không hiện đại, với 90 máy bay và 45 thiết bị bay không người lái.
Tháng 3 năm nay, Chính phủ Hy Lạp cũng đã đặt mua 7 máy bay chữa cháy Canadair với tổng trị giá 400 triệu euro (450 triệu USD). Dự kiến chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm 2027. Một phần trong tổng chi phí ước tính sẽ được chi trả bằng quỹ của Liên minh châu Âu (EU).
Hơn 30% diện tích Hy Lạp được rừng bao phủ. Quốc gia này thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, các vụ cháy đã trở nên dữ dội hơn trong những năm gần đây khi thời tiết mùa Hè khô, nóng và nhiều gió hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang làm trầm trọng thêm tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng trên toàn thế giới. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn tới mùa cháy rừng kéo dài hơn và làm tăng diện tích bị tàn phá.