Vào đầu tháng 12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar cùng Saudi Arabia. Tại UAE, nhà lãnh đạo Pháp đã “chốt” được hợp đồng 80 chiến đấu cơ Rafale và 12 trực thăng quân sự trị giá 19 tỷ USD.
Mỹ lại không gặp may như vậy sau khi UAE trong tháng 12 tuyên bố ngưng hợp đồng vũ khí trị giá 23 tỷ USD.
Vào tháng 9 vừa qua, Pháp đã thể hiện bất bình về thông tin Mỹ cùng Anh sẽ giúp Australia phát triển tàu ngầm. Theo đó, Australia đã rút khỏi thỏa thuận 66 tỷ USD mua tàu ngầm do Pháp thiết kế. Điều này đồng nghĩa với thất thu cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp nhưng lại là “mẻ lưới lớn” cho nhiều doanh nghiệp Mỹ.
CNN nhận định thỏa thuận chiến đấu cơ hàng tỷ USD của Pháp với UAE là bằng chứng của việc “không giận dữ, hãy ngang bằng”. Kênh CNN (Mỹ) cho biết Tổng thống Macron cũng là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kể từ sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Tổng thống Macron chia sẻ với các phóng viên ở Dubai: “Làm sao chúng ta có thể bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông nếu không trao đổi với Saudi Arabia, quốc gia đông dân và có tầm ảnh hưởng nhất Vùng Vịnh?”.
Trong gần một thế kỷ qua, Mỹ luôn là đồng minh hàng đầu và là đối tác của nhiều quốc gia khắp bán đảo Arab và Trung Đông, từ Saudi Arabia tới Kuwait đến UAE. Nhưng gần đây, khi đối mặt với các rủi ro mới, khu vực Trung Đông đang tìm kiếm đồng minh hoặc bạn bè mới. Việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan, sau khi giảm lực lượng ở Iraq và Syria được nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông coi là dấu hiệu họ phải tự đứng trên chân mình.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông như UAE, Qatar, Saudi Arabia và Ai Cập lo lắng về thỏa thuận hạt nhân Iran tan biến. Trong khi đó chính quyền Tổng thống Biden chưa có nhiều động thái kể từ khi người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015. Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt.