Hong Kong, Macau (Trung Quốc) dỡ bỏ cảnh báo bão Wipha

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Cơ quan khí tượng thủy văn Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã dỡ bỏ tất cả các tín hiệu cảnh báo đối với bão Wipha vào lúc 5h10’ ngày 21/7 (giờ địa phương, tức 4h10’ theo giờ Việt Nam). Trước đó, Hong Kong đã hạ mức cảnh báo về bão Wipha xuống cấp 1 vào lúc 3h20’ cùng ngày.

Chú thích ảnh
Cây đổ trong gió lớn do ảnh hưởng của bão Wipha tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dự báo, vành đai của bão Wipha vẫn tiếp tục gây mưa rào tại Hong Kong trong ngày 21/7 và vẫn có sóng lớn trên biển. Người dân được khuyến cáo nên cảnh giác, tránh xa bờ biển và ngừng các hoạt động dưới nước.

Hiện các hoạt động xã hội tại Hong Kong đã trở lại bình thường vào tối 20/7. Các chuyến bay đến và đi từ Hong Kong đã lần lượt được nối lại, cơ quan quản lý sân bay cho biết từ đêm 20/7 đến sáng 21/7 đã có hơn 230 chuyến bay cất và hạ cánh với 30.000 hành khách. Tuyến tàu điện tại sân bay đã bổ sung thêm nhiều chuyến vào sáng sớm 21/7 để vận chuyển hành khách. Toàn bộ phương tiện giao thông công cộng đã dần hoạt động trở lại vào chiều tối 20/7.

Trước đó, chính quyền Hong Kong phải nâng cảnh báo lên cấp độ cao nhất, khiến hệ thống giao thông công cộng của thành phố tê liệt, hàng chục người bị thương, hàng trăm cây đổ và hàng chục nghìn hành khách hàng không bị mắc kẹt khi hơn 500 chuyến bay bị hủy bỏ.

Cơ quan khí tượng thủy văn Hong Kong cho biết mặc dù cường độ của bão Wipha không mạnh bằng siêu bão Saola năm 2023, nhưng tốc độ gió được ghi nhận tại Hong Kong khi bão Saola và bão Wipha đi qua là tương đương nhau.

Do ảnh hưởng của vành đai mưa do bão Wipha, Hong Kong đã hứng chịu gió mạnh và mưa lớn vào ngày 20/7, nhiều khu vực ghi nhận lượng mưa trên 70 mm, trong đó có nơi ghi nhận trên 140 mm. Do ảnh hưởng của bão, một số vùng ven biển trũng thấp cũng bị ngập lụt.

Sau khi bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong, nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng cây cối và giàn giáo đổ, đèn giao thông và cột đèn bị gió mạnh thổi bay, một tàu du lịch trôi dạt trên biển và đâm vào bến tàu China Merchants ở Kennedy Town. Hiện chưa rõ có ai trên tàu vào thời điểm đó hay không. Mặc dù có nhiều báo cáo về cây đổ và lũ lụt, nhưng Hong Kong không ghi nhận sự cố lớn nghiêm trọng nào như lở đất.

Ngoài Hong Kong, Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) cũng đã kết thúc "tình trạng phòng ngừa ngay lập tức" vào tối 20/7 khi bão Wipha quét qua thành phố này và dần di chuyển ra xa Macau.

Cơ quan khí tượng thủy văn Macau đã hạ cảnh báo đối với bão Wipha xuống cấp 3 vào lúc 22h30’ ngày 20/7 (giờ địa phương, tức 21h30’ theo giờ Việt Nam) và các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường. Cơ quan quản lý đô thị đã tăng cường công tác dọn rác sau bão và kiểm tra cây xanh. Dịch vụ thông quan xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới nối Macau với thành phố Chu Hải (Zhuhai) lân cận đã được nối lại. Cục Giao thông Vận tải Macau cho biết dịch vụ xe buýt công cộng cũng đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, do gió mạnh và sóng lớn trên biển, để phối hợp với kế hoạch phòng chống gió của các khu vực lân cận và đảm bảo an toàn cho vận tải hành khách đường biển, tuyến tàu khách từ Macau đến Thâm Quyến (Shenzhen) tiếp tục bị tạm dừng cho đến hết ngày 21/7.

Tính đến 21h ngày 20/7, Macau ghi nhận tổng cộng 163 báo cáo về các sự cố và 5 người bị thương do bão.

Mạc Luyện (TTXVN)
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, vào lúc 6h ngày 21/7 (theo giờ địa phương, tức 5h theo giờ Việt Nam), Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo màu cam - mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo bão gồm 4 cấp, về cơn bão Wipha. Theo cơ quan này, bão Wipha đã đổ bộ vào vùng ven biển đảo Hải Lăng, thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông vào lúc 20h15 ngày 20/7. Khi đổ bộ, sức gió lớn nhất gần tâm bão đạt cấp 10 (90km/h), áp suất thấp nhất tại tâm bão là 980 hPa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN