Enriquez, một thợ xây 52 tuổi, đã tình nguyện giúp thực hiện kế hoạch ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết bằng cách thả hàng triệu con muỗi đặc biệt ở khu phố El Manchen nơi ông sinh sống.
Lấy muỗi trị muỗi
Trong nhiều thập niên, việc ngăn ngừa sốt xuất huyết ở Honduras đồng nghĩa với tuyên truyền người dân tránh bị muỗi đốt. Giờ đây, người dân Honduras đang được hướng dẫn về một phương pháp có khả năng hiệu quả hơn để kiểm soát căn bệnh này - và nó đi ngược lại mọi điều họ đã biết.
Những con muỗi ông Enriquez thả ra đã được các nhà khoa học nhân giống để mang vi khuẩn có tên Wolbachia làm gián đoạn quá trình truyền bệnh. Khi những con muỗi này sinh sản, chúng truyền vi khuẩn sang lăng quăng, từ đó giúp giảm bùng phát dịch trong tương lai.
Chiến lược chống sốt xuất huyết mới này đã được tổ chức phi lợi nhuận World Mosquito Program triển khai tiên phong trong thập niên qua và đang được thử nghiệm ở hơn một chục quốc gia.
Với hơn một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đặc biệt chú ý đến tình trạng muỗi truyền bệnh ở Honduras và nhiều nơi khác, đồng thời sẵn sàng thúc đẩy chiến lược này trên toàn cầu.
Tại Honduras, nơi có 10.000 người mắc sốt xuất huyết mỗi năm, Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đang hợp tác với World Mosquito Program trong 6 tháng tới để thả gần 9 triệu con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Ông Scott O'Neill, người sáng lập World Mosquito Program, cho biết: “Rất cần có những phương pháp mới”.
Căn bệnh “ngoan cố”
Các nhà khoa học đã có nhiều bước tiến lớn trong những thập niên gần đây để giảm nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền, bao gồm cả sốt rét. Nhưng sốt xuất huyết là ngoại lệ: Tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết ước tính có khoảng 400 triệu người ở 130 quốc gia mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Tuy tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp - ước tính khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm - nhưng dịch bệnh có thể khiến hệ thống y tế quá tải và buộc nhiều người phải nghỉ làm hoặc nghỉ học.
Conor McMeniman, nhà nghiên cứu muỗi tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Khi bạn mắc sốt xuất huyết, nó thường giống như trường hợp mắc cúm tồi tệ nhất mà bạn có thể tưởng tượng”.
Các phương pháp truyền thống để ngăn ngừa bệnh do muỗi truyền gần như không có hiệu quả đối với sốt xuất huyết. Muỗi Aedes aegypti lây lan sốt xuất huyết có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng. Và virus gây sốt xuất huyết có bốn dạng khác nhau nên việc kiểm soát bằng vaccine sẽ khó khăn hơn.
Muỗi Aedes aegypti cũng là một kẻ thù đầy thách thức vì chúng hoạt động mạnh nhất vào ban ngày khi mọi người không dùng màn. Bởi vì những con muỗi này phát triển mạnh trong môi trường ấm áp và ẩm ướt, cũng như ở các thành phố đông đúc. Do đó, biến đổi khí hậu và đô thị hóa sẽ khiến cuộc chiến chống sốt xuất huyết trở nên khó khăn hơn.
Nhà nghiên cứu Raman Velayudhan tại WHO cho biết: “Chúng ta cần những công cụ tốt hơn. Wolbachia chắc chắn là một giải pháp lâu dài và bền vững”. Ông Velayudhan và các chuyên gia khác của WHO có kế hoạch công bố một khuyến nghị sớm nhất là trong tháng này để khuyến khích thử nghiệm thêm chiến lược Wolbachia ở các nơi khác trên thế giới.
Chiến lược Wolbachia
Chiến lược Wolbachia đã được hình thành trong nhiều thập niên. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên ở khoảng 60% các loài côn trùng, ngoại trừ muỗi Aedes aegypti.
Khoảng 40 năm trước, các nhà khoa học nhắm đến việc sử dụng Wolbachia theo một cách khác: đó là giảm số lượng muỗi. Vì muỗi đực mang Wolbachia chỉ giao phối với những con cái cũng mang vi khuẩn này nên các nhà khoa học sẽ thả muỗi đực nhiễm Wolbachia vào tự nhiên để sinh sản với những con cái không có vi khuẩn này, do đó trứng của chúng sẽ không nở.
Nhưng nhóm của O'Neill đã có một khám phá đáng ngạc nhiên đó là muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không lây lan sốt xuất huyết - hoặc các bệnh liên quan khác, bao gồm sốt vàng da, sốt rét và chikungunya. Và vì những con cái bị nhiễm bệnh truyền Wolbachia sang thế hệ sau, cuối cùng chúng sẽ “thay thế” quần thể muỗi địa phương bằng một quần thể mang vi khuẩn ngăn chặn virus.
O'Neill cho biết ông đã dành nhiều năm nghiên cứu với sự hỗ trợ của các sinh viên ở Australia. Cuối cùng, ông đã tìm ra cách chuyển vi khuẩn từ ruồi giấm vào phôi muỗi Aedes aegypti qua kim thủy tinh siêu nhỏ.
Oliver Brady, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), đánh giá rằng chiến lược đòi hỏi thay đổi lớn trong suy nghĩ về kiểm soát muỗi. Ông Brady nói: “Trước đây mọi thứ đều nhằm mục đích diệt muỗi, hoặc ít nhất là ngăn muỗi đốt người”.
Kể từ khi phòng thí nghiệm của O'Neill lần đầu tiên thử nghiệm chiến lược thay thế ở Australia vào năm 2011, World Mosquito Program đã tiến hành các thử nghiệm gây tác động đến 11 triệu người trên 14 quốc gia. Kết quả rất hứa hẹn. Năm 2019, một thử nghiệm thực địa quy mô lớn ở Indonesia cho thấy số ca sốt xuất huyết được ghi nhận đã giảm 76% sau khi muỗi nhiễm Wolbachia được thả ra.
Nhiều con muỗi bị nhiễm Wolbachia đã được ấp trong một nhà kho ở Medellín, Colombia, nơi World Mosquito Program điều hành một nhà máy sản xuất 30 triệu con mỗi tuần.
Ông Edgard Boquín làm việc cho Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, cho biết, nhà máy nhập khẩu trứng muỗi từ nhiều nơi trên thế giới để đảm bảo những con muỗi được lai tạo đặc biệt này sau khi thả ra sẽ có đặc điểm tương tự như quần thể địa phương, bao gồm cả khả năng kháng thuốc diệt côn trùng. Sau khi nở, chúng được phép sinh sản với “đàn mẹ” - một dòng mang Wolbachia và có nhiều con cái hơn con đực.
Các nhà khoa học cho biết muỗi mang Wolbachia và con cái của chúng đều vô hại khi đốt người.
Tuy nhiên, ông O'Neill nói vẫn còn câu hỏi về việc liệu chiến lược thay thế có hiệu quả và tiết kiệm chi phí trên quy mô toàn cầu hay không. Cuộc thử nghiệm ở Tegucigalpa kéo dài ba năm sẽ tiêu tốn 900.000 USD, tương đương khoảng 10 USD cho mỗi người mà Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới mong đợi sẽ bảo vệ được.
Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn làm thế nào Wolbachia thực sự ngăn chặn virus lây truyền. Nhà nghiên cứu muỗi tại Đại học Washington (Mỹ) Bobby Reiner bổ sung rằng cũng chưa rõ liệu vi khuẩn này có hoạt động tốt chống lại tất cả các chủng virus hay không, hay một số chủng có thể kháng cự theo thời gian.