AFP nêu rõ con số thống kê này không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga - 2 nước ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong vài ngày gần đây.
Hiện 7 nước G7 gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản đã cam kết chia sẻ số lượng vaccine công bằng với những nước đang khó khăn chống đỡ với dịch bệnh này. Cùng với đó, lãnh đạo các nước G7 có kế hoạch tăng gấp 2 lần số tiền đóng góp cho các chương trình vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (COVAX), tức lên 7,5 tỷ USD.
Theo số liệu tổng hợp của AFP, 92% số vaccine nói trên được phân phối cho các nước được Ngân hàng thế giới (WB) xếp loại nước có thu nhập cao và trung bình cao - những nước chiếm khoảng 50% dân số thế giới.
Đến nay, trong số 29 nước mà WB xếp loại nước có thu nhập thấp, mới chỉ có Guinea và Rwanda bắt đầu tiêm chủng. Israel hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người được tiêm chủng, với gần 50% dân số được tiêm chủng mũi đầu tiên, trong khi có tới 30% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Những nước và vùng lãnh thổ có trên 10% dân số được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine gồm Anh (25%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), the Seychelles (43%) và Maldives (12%). Số vaccine tiêm chủng ở Mỹ cao nhất thế giới: 59,6 triệu liều. Tính đến ngày 9/2, Trung Quốc đã tiêm 40,5 triệu liều, Anh đạt 17,5 triệu liều, Ấn Độ 10,7 triệu liều và Israel 7,1 triệu liều.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Nhật Bản, chính phủ nước này ngày 20/2 cho biết đã nhận được báo cáo về trường hợp có khả năng bị phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin văn phòng thủ tướng Nhật Bản cho biết trường hợp được ghi nhận tại bệnh viện Toyama Rosai ở tỉnh Toyama hôm 19/2. Bệnh viện này cho biết chứng phát ban đã xuất hiện trên cơ thể một người sau khi tiêm chủng, song triệu chứng này đã nhanh chóng biến mất. Bệnh viện từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cá nhân này.
Ngày 19/2, bệnh viện Toyama Rosai và 1 bệnh viện khác trong tỉnh đã triển khai chương trình tiêm chủng cho lực lượng nhân viên y tế. Trong ngày này, đã có 48 người tại bệnh viện được tiêm chủng.
Trước đó, ngày 17/2, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm chủng, ưu tiên 40.000 lực lượng y, bác sĩ làm việc tại 100 bệnh viện trên cả nước. Đến nay, Nhật Bản chưa nhận được báo cáo về những trường hợp có phản ứng phụ của vaccine của Pfizer/BioNTech SE mà nước này sử dụng tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nếu trường hợp một người tử vong do biến chứng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, chính phủ sẽ bồi thường 44,2 triệu yen (419.000 USD) cho gia đình nạn nhân. Nhằm theo dõi tính an toàn của vaccine, Nhật Bản yêu cầu người tiêm theo dõi tình hình sức khỏe liên tục trong 7 tuần sau khi tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Thời gian tiêm giữa 2 mũi cách nhau 3 tuần.