Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa trong số đó, khoảng 58%, đã được sử dụng tại 3 nước gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều.
Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Xếp sau Israel là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã nhận được tiêm ít nhất một mũi vaccine, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%).
Tại Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều đã được tiêm cho 21% dân số. Malta đang dẫn đầu EU với 47% dân số đã được chủng ngừa và con số này của Hungary là 37%. Trong khi đó, Đức mới chỉ có 22,6% dân số đã được tiêm chủng, còn của Tây Ban Nha là 22,3%, Pháp là 20,5% và Italy là 19,9%.
Trên toàn thế giới, số liều vaccine được sử dụng đã tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tháng trong bối cảnh các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Mặc dù phần lớn các nước nghèo cũng đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu thông qua sáng kiến tiếp cận vaccine công bằng COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xuống, song nhìn chung việc tiêm chủng vẫn là một đặc quyền của các quốc gia có thu nhập cao theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB). Các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 0,2% số liều vaccine đã được sử dụng.
Tới nay, vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển)/Đại học Oxford bao chế vẫn là chế phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới khi được vào chương trình tiêm chủng của 156 trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên. Trong khi đó, vaccine của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) đã được sử dụng tại 91 nước, chiếm 44% trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp theo là vaccine của hãng Moderna (Mỹ) với 46 nước hay tương đương 22%; vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) với ít nhất 41 nước - 20%; vaccine Sputnik V (Nga) với ít nhất 31 nước - 15% và vaccine Sinovac (Trung Quốc) với ít nhất 21 nước - 10%.
Mặc dù chương trình tiêm chủng đã đạt được một số bước tiến tích cực, song số ca mắc mới trên thế giới cũng tăng thêm 893.00 ca trong ngày 23/4, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 33%. Chỉ tính riêng ngày 24/4, đất nước tỷ dân này ghi nhận 346.786 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới hiện nay. Quốc gia Nam Á này đã trở thành điểm nóng dịch bệnh mới với sự xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các sự kiện cộng đồng "siêu lây nhiễm" gần đây.