Hội thảo về châu Á và pháp luật, quản trị quốc tế

Vừa qua, tại thành phố Kathmandu (Nepal), Hiệp hội Giáo sư Luật Châu Á (AALP) phối hợp với Trường Đại học Luật Kathmandu tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề  “Một thế kỷ Châu Á: Nhận thức về Pháp luật quốc tế và quản trị quốc tế”.

Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm phân tích, đánh giá những vấn đề đã, đang diễn ra tại châu Á và trong tương lai ảnh hưởng đến hòa bình, hợp tác và sự phát triển của các quốc gia châu Á.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Pv TTXVN tại Nepal

Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả đã thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan, phân tích, đánh giá những vấn đề pháp lý quốc tế đang đặt ra cho các quốc gia châu Á. Với hơn 40 tham luận, Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý đương đại đặt ra tại châu Á như xu hướng phát triển của châu Á, áp dụng pháp luật quốc tế ở châu Á, hợp tác trong giải quyết xung đột, tác động và hệ quả pháp lý của biến đổi khí hậu…

Nhiều chuyên gia, học giả nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, khẳng định vai trò của pháp luật quốc tế trong điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, quản lý xung đột và xử lý khủng hoảng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Trong bối cảnh trên thế giới và khu vực có những biến động, các chuyên gia, học giả mong muốn xây dựng một châu Á hợp tác và phát triển, phát huy được những giá trị chung, góp phần nhận diện được các giá trị châu Á.

Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Hệ quả pháp lý của nước biển dâng đối với các vùng biển và các đường ranh giới trên biển ở châu Á”, Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã khẳng định vai trò của pháp luật quốc tế nói chung, Luật biển quốc tế nói riêng, đặc biệt là các quy định của Công ước của Liên hợp quốc vế Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong việc điều chỉnh các đường ranh giới trên biển.

Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng đưa ra những phân tích và khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để các quốc gia trong khu vực nói chung, ven biển Đông nói riêng duy trì sự ổn định của các đường ranh giới trên biển; bên cạnh đó, các quốc gia cần nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước trong việc xác định các vùng biển, làm cơ sở để hợp tác giải quyết tranh chấp phát sinh.

Tham dự Hội thảo, các học giả đến từ Việt Nam cũng đã có những tham luận giá trị, thẳng thắn chia sẻ quan điểm tại các phiên thảo luận.

TTXVN/ Báo Tin tức
Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc
Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

Chiều tối 26/6, tại Trung tâm Hội nghị ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã diễn ra cuộc hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam tại "xứ sở kim chi", mở màn cho Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN