Bất chấp việc ra tuyên bố chung với lập trường thống nhất về những vấn đề quan trọng như Ápganixtan, hệ thống phòng thủ tên lửa hay quan hệ với Nga, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Mỹ hôm 20 và 21/5 xem ra vẫn chưa giúp thắp sáng tương lai của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu trong cuộc thảo luận về vấn đề Ápganixtan tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 21/5/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago (Mỹ) thu hút sự chú ý của dư luận thế giới trước hết vì bối cảnh diễn ra sự kiện. Thứ nhất, đây là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong lịch sử của khối với sự tham dự của 50 quốc gia thành viên và khách mời. Thứ hai, đây không chỉ là hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên diễn ra tại Mỹ trong 13 năm qua mà còn được tổ chức ngay tại thành phố quê hương của Tổng thống Barack Obama ngay trong năm bầu cử. Thứ ba, các nước thành viên NATO đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính tác động lớn đến ngân sách quốc phòng. Thứ tư, trong bài phát biểu hồi tháng 6/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc chia sẻ gánh nặng giữa hai bờ Đại Tây Dương và những mâu thuẫn nội bộ khiến vấn đề gắn kết liên minh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là những căng thẳng với Nga liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, vẫn chưa được tháo gỡ. Chính hai yếu tố sau cùng này sẽ quyết định số phận của NATO trong tương lai.
Những người biểu tình thuộc nhóm “Chiếm lấy phố Wall” tuần hành trước trụ sở hãng Boeing, một trong những nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/5/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiểm họa bên trong
Nhìn bề ngoài, liên minh Bắc Đại Tây Dương này đã không giấu giếm sự hài lòng về Hội nghị thượng đỉnh Chicago vừa qua. Các thành viên tham dự đã khẳng định cam kết củng cố quan hệ đồng minh, thể hiện rõ nhất qua việc triển khai giai đoạn đầu của chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo liên châu Âu. Tuy vậy, nỗ lực của Tổng thống Obama để hội nghị thông qua những vấn đề nền tảng cơ bản của liên minh đã không đạt được kết quả mong muốn. Những vấn đề được đưa ra trong Tuyên bố chung Chicago dường như không làm thỏa mãn các bên liên quan.
Trước hết là về Ápganixtan, một điểm nhấn trong nghị trình ở Chigago. Tuyên bố về quá trình chuyển giao trách nhiệm an ninh tại Ápganixtan là "không thể đảo ngược" và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2014 chắc chắn không làm Pháp hài lòng, khi nhà lãnh đạo mới của nước này François Hollande từng cam kết sẽ rút quân về nước trong năm 2012. Tiếp đó, quyết tâm “xây dựng một nền hòa bình lâu dài và toàn diện với Nga" ở châu Âu - Đại Tây Dương xem ra chỉ có ý nghĩa trên giấy khi vấn đề mấu chốt là hệ thống phòng thủ tên lửa chung Nga-NATO vẫn chưa có giải pháp cuối cùng.
Hội nghị Chicago không được cho là thành công có lẽ một phần do các nhà lãnh đạo đã đưa ra một chiến lược lạc quan nhưng bất khả thi. Thực sự, các vấn đề cơ bản của NATO khó có giải pháp trọn vẹn khi những mâu thuẫn trong nội bộ cũng như với đối tác quan trọng nhất là Nga vẫn tồn tại. Các nước NATO nhóm họp lần này để bàn về cuộc chiến mà họ đã trực tiếp can dự 10 năm nay chỉ để chứng tỏ sự gắn kết trong khối nhưng hiện hầu hết đều muốn thoát ra càng sớm càng tốt.
Ngay cả sự gắn kết đó cũng chỉ là bằng mặt mà không bằng lòng. Mỹ thường chỉ trích các thành viên châu Âu không đóng góp công bằng cho các hoạt động của NATO. Ngay trong nội bộ châu Âu, một số nước thành viên của khối cũng không đáp ứng nhiệt tình lời kêu gọi cùng gánh vác trách nhiệm và hợp sức chiến đấu, mà điển hình nhất là trong cuộc khủng hoảng tại Libi năm 2011. Tất nhiên ai cũng hiểu việc chia sẻ lợi ích, chia sẻ nguy cơ và chia sẻ trách nhiệm trong một tổ chức có sự chênh lệch lớn về tiềm lực kinh tế-quân sự là rất khó, nhất là trong bối cảnh các nước thành viên châu Âu đã bước vào giai đoạn cắt giảm ngân sách quốc phòng. Trớ trêu thay, lối tư duy thiệt hơn này chắc chắn gây hại cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Đe dọa từ bên ngoài
Đã 63 năm kể từ ngày ký hiệp ước thành lập NATO, giấc mơ trở thành một tổ chức an ninh toàn cầu, có thể can thiệp bất cứ nơi nào bất ổn trên thế giới, gần như đã tàn lụi (mà phần lớn do những khó khăn nội tại của NATO). Không những thế, NATO hiện tại còn lo ngại trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng đến từ phương Đông. Tại Hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Hợp tác an ninh tập thể (CSTO) mới đây ở Mátxcơva, Tổng thống Cadắcxtan Nursultan Nazarbayev đã mô tả vai trò của NATO sau Chiến tranh Lạnh là “hoàn toàn không rõ ràng”. Thay vào đó, ông tán đồng xu hướng chống khủng bố của CSTO – tổ chức hiện được coi là “NATO phương Đông” gồm 7 nước thành viên là Nga, Cadắcxtan, Bêlarút, Ácmênia, Tátgikixtan, Cưrơgưxan và Udơbêkixtan, với Nga là “bộ não”. Các quy định của CSTO cũng giống như NATO, trong đó coi cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên đồng nghĩa với việc nhắm vào cả khối. Điều đó ngụ ý rằng Mátxcơva có thể sử dụng chiếc ô hạt nhân làm phương tiện để chống lại “NATO phương Tây”.
Một thế lực khác cũng đang nổi lên và có thể trở thành một đối trọng với NATO. Kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Bắc Kinh mới đây cho thấy SCO đang sẵn sàng cho những thay đổi lớn. Trong thập kỷ 1990, SCO là một tổ chức xây dựng lòng tin giữa Nga, Trung Quốc và 4 nước Trung Á. Sang đầu thế kỷ 21, SCO đã chuyển trọng tâm sang chống khủng bố, buôn ma túy quốc tế cũng như hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Nhưng, thời thế đang thay đổi với làn sóng khủng hoảng ở Trung Đông, Mỹ rút quân khỏi Irắc và Ápganixtan,… đòi hỏi SCO phải xem xét lại cách tiếp cận và thay đổi cơ cấu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết từ nay trở đi, SCO sẽ có một chính sách chung và quan điểm thống nhất của SCO sẽ ủng hộ những nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự thao túng của phương Tây trong các vấn đề quốc tế.
Phải chăng với hình hình mới và thách thức mới kể trên, NATO cũng cần thay đổi cho phù hợp với một thể chế an ninh trong thế kỷ 21.
Nguyệt Ánh