Theo phóng viên TTXVN tại Đức, với cương vị Chủ tịch G7, chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố G7 sẽ tiếp tục đứng về phía Ukraine và tiếp tục “gia tăng sức ép” với Nga.
Sau phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với hội nghị, lãnh đạo các nước G7 đã cam kết duy trì và tăng cường áp lực kinh tế cũng như chính trị đối với Nga. Bên cạnh đó, G7 khẳng định "sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết”. Tuyên bố nêu rõ các nền kinh tế hàng đầu sẽ tìm cách tạo ra “hành lang an toàn” cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực. G7 khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, bao gồm phục hồi và tái thiết, trong đó có thể bao gồm cả việc sử dụng các tài sản của Nga bị phong tỏa theo luật quốc gia.
Bên cạnh tuyên bố chung về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối dầu mỏ nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu năng lượng của Moskva. Ngoài năng lượng, lãnh đạo các nước G7 khẳng định sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế hơn nữa việc Nga tiếp cận các nguyên liệu công nghiệp, dịch vụ và công nghệ then chốt cho công nghiệp quốc phòng. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức phát biểu bên lề hội nghị cho biết: “Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 không chỉ nhằm trực tiếp vào nguồn thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, mà còn giảm thiểu tác động lan rộng đối với các nền kinh tế G7 nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung”.
Những thông tin về kế hoạch gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và bộ máy quân sự của Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến với Hội nghị thượng đỉnh G7 kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn. Ông Zelensky đã đề nghị G7 cung cấp các hệ thống phòng không, đảm bảo an ninh, trợ giúp về xuất khẩu ngũ cốc và viện trợ tái thiết, đặc biệt là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.