Bắt đầu các hoạt động trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh này, nguyên thủ quốc gia G7 đã làm việc với lãnh đạo các nước châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia. Đây cũng là 5 nước châu Phi có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải khi những nước này là nơi xuất phát hoặc là điểm trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư muốn đến châu Âu bất chấp những nguy hiểm rình rập khi vượt qua Địa Trung Hải. Việc Italy - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay- tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sicily cũng nhằm nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin Italy, ngay cả điều này cũng không ngăn được bất đồng giữa lãnh đạo các nước tham dự hội nghị, cản trở mong muốn ra tuyên bố chung của nước chủ nhà về lợi ích và khó khăn của việc nhập cư. Nhiều chỉ trích đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước có đông người Hồi giáo đã nhận được nhiều lời chỉ trích.
Về bảo hộ mậu dịch - một trong những vấn đề được cho là sẽ nảy sinh bất đồng giữa các nhà lãnh đạo, một nguồn tin từ Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí đề cập tới cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong thông cáo chung cuối cùng, dự kiến được công bố cuối ngày 27/5 sau khi kết thúc hội nghị. Trước đó, Tổng thống Mỹ kiên quyết ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển.
Về biến đổi khí hậu, các nguồn tin tại chỗ cho biết các lãnh đạo G7 đã đạt được thỏa thuận cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thêm thời gian để quyết định liệu Mỹ có tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không. Theo nguồn tin này, 6 thành viên G7 sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận này và đợi quyết định từ phía Mỹ.