Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đề ra phương án nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính

Bộ trưởng Tài chính các nước châu Á đã nhất trí xem xét đưa đồng yên của Nhật Bản và Nhân dân tệ của Trung Quốc vào các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cùng với đồng USD trong nỗ lực đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, đồng thời bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa chấm dứt.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 ở Fiji ngày 2/5/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) ngày 2/5 tại Fiji, đại biểu các nước tham dự đã nhấn mạnh việc bổ sung các đồng nội tệ vào thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là "một lựa chọn tăng cường" cho tương lai.

Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, các nước này vào năm 2000 đã công bố Sáng kiến Chiang Mai, theo đó các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương bằng đồng USD và các quốc gia thành viên khi đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản ngắn hạn, có thể tiếp cận một ngân quỹ bằng đồng USD để đổi lấy đồng nội tệ của từng nước. Đến nay, các nước ASEAN+3 nhất trí xem xét bổ sung đồng yên và Nhân dân tệ vào ngân quỹ 240 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc quá đà vào đồng USD, hiện là đơn vị tiền tệ được sử dụng để đầu tư cũng như là công cụ thanh toán giao thương trong khu vực. 

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đánh giá yếu tố tích cực của kế hoạch điều chỉnh nói trên, cho rằng điều này sẽ giúp mở rộng khả năng ứng phó vào những thời điểm khẩn cấp vì một quốc gia đang tìm kiếm sự hỗ trợ có thể lựa chọn loại tiền mà họ muốn. 

Trong khi đó, theo ý kiến của các chuyên gia, kế hoạch điều chỉnh này sẽ trở thành một sáng kiến hỗ trợ các quốc gia châu Á tăng tỷ lệ nắm giữ đồng yên và Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối, trong khi các doanh nghiệp cũng có được sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, góp phần hỗ trợ các nền kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi các rủi ro tăng giảm của tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, kế hoạch này còn được mong chờ sẽ hỗ trợ quốc tế hóa đồng yên và Nhân dân tệ, trong khi mở rộng sức ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực. 

Tuy nhiên, hiện chưa rõ Mỹ sẽ chấp nhận kế hoạch này hay không. Hiện các nước thành viên ADB cần tiếp tục thảo luận về vấn đề này bởi đồng nội tệ ở các nước châu Á có thể mất giá trị trong những tình huống khẩn cấp.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tuyên bố "duy trì cảnh giác đối với nguy cơ giảm sút" mà kinh tế các nước trong khu vực có thể đối mặt, liên quan đến tranh chấp thương mại và điều kiện tài chính toàn cầu siết chặt. Tuyên bố chung nêu rõ các nước cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, đồng thời phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. 

Về triển vọng kinh tế toàn khu vực, tuyên bố nhấn mạnh các đại biểu tham dự hy vọng tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN+3 sẽ "duy trì ổn định". 

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 diễn ra bên lề Hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lần thứ 52 diễn ra tại Fiji từ ngày 1/5.

Lan Phương (TTXVN)
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết hai văn kiện về thương mại dịch vụ và đầu tư
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết hai văn kiện về thương mại dịch vụ và đầu tư

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 23/4, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) và Nghị định thư thứ 4 sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) nhằm thúc đẩy hơn nữa hội nhập khu vực và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN