Nghị quyết thứ nhất do nhóm ba nước Bỉ, Đức và Kuwait đề xuất, song Nga và Trung Quốc đã phủ quyết.
Đại sứ Bỉ tại LHQ Marc Pecsteen giới thiệu mục đích của nghị quyết là bảo đảm các hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho người dân Syria. Tuy nhiên, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết do nội dung nghị quyết yêu cầu "trừng phạt tất cả các bên có lỗi trong các vụ tấn công vào các cở sở nhân đạo" tại Idlib nhưng không quy định ngoại lệ đối với "các hoạt động chống khủng bố". Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đánh giá việc đưa nghị quyết ra bỏ phiếu mà chưa được sự nhất trí của toàn bộ 5 thành viên thường trực HĐBA là không có tính xây dựng.
Ông Trương Quân kêu gọi "không chính trị hóa công tác nhân đạo mà cần phải huy động tất cả các bên tham gia công cuộc tái thiết đất nước Syria".
Đáp lại, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviera tuyên bố khi chưa có được nghị quyết nhân đạo và chính trị về Syria thì Pháp sẽ không tham gia bất kỳ một kế hoạch tái thiết nào.
Ngoài ra, Đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bashar Jaafari nêu rõ bất kỳ một sứ mệnh nhân đạo nào cũng cần phải phối hợp trước hết với Chính quyền Syria như đối tác chính để bảo đảm hỗ trợ nhân đạo cho người dân.
Nga và Trung Quốc đã đưa ra một nghị quyết khác thay thế, nhưng cũng không được HĐBA LHQ thông qua, trong đó 9 nước đã bỏ phiếu chống, trong khi Guinea Bissau, Indonesia, Côte d'Ivoire và Nam Phi bỏ phiếu trắng. Nội dung chính của nghị quyết do Nga và Trung Quốc đưa ra là duy trì ngừng bắn tại vùng giảm căng thẳng ở Idlib, tuy nhiên không áp dụng đối với các hoạt động chống khủng bố tại Idlib.
Idlib là "thành trì" lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria và hiện có khoảng 3 triệu dân. Tỉnh này cũng có vị trí quan trọng chiến lược vì có chung một khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm phiến quân mạnh nhất hoạt động tại tỉnh này là HTS, nhóm bảo trợ của lực lượng Mặt trận Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Đầu tháng 8 vừa qua, các lực lượng chính phủ Syria được Nga ủng hộ đã tiến hành chiến dịch trên bộ tấn công phiến quân tại tỉnh này. Một lệnh ngừng bắn do Nga hậu thuẫn đã có hiệu lực từ ngày 31/8, tuy nhiên xung đột vẫn tiếp diễn. Nhiều nước trong đó có Bỉ cho rằng trong hoạt động chống khủng bố tại đây đã xảy ra các vụ ném bom cả bệnh viện, trường học và cơ sở dân sự.