Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về các biện pháp siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Ngày 25/5, các phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin từ Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sẽ bỏ phiếu về đề xuất của Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo mới.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Triều Tiên, tại New York (Mỹ). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Yonhap và Bloomberg, cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ sẽ diễn ra trong ngày 26/5 (theo giờ New York). Trung Quốc, một ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết, tuyên bố động thái này sẽ không giúp giải quyết bất kỳ khúc mắc nào.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa, trong đó có 1 quả được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này. Đó là bước đi mới nhất trong một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, hành động vi phạm các nghị quyết trước đây của HĐBA LHQ, mà Bình Nhưỡng tiến hành trong năm nay.

Một quan chức Mỹ cho biết dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất “siết chặt hơn nữa khả năng Bình Nhưỡng phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo. Nó sẽ hợp lý hóa việc triển khai các biện pháp trừng phạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chuyển đồ viện trợ nhân đạo tới những người có nhu cầu".

Triều Tiên đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2006, được đưa ra nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga lâu nay đang thúc đẩy việc nới lỏng trừng phạt vì lý do nhân đạo.

Một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ cần nhận được 9 phiếu đồng ý và không có một phiếu phủ quyết nào từ phía 5 nước ủy viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ.

Một phát ngôn viên Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi không nghĩ một nghị quyết như Mỹ đề xuất có thể giải quyết được các vấn đề”, thay vào đó Trung Quốc đề xuất thông qua một tuyên bố chính thức. Theo phát ngôn viên này, Mỹ hiểu rõ “cách tốt nhất để giảm leo thang căng thẳng, song nước này đơn giản là không làm thế”, đồng thời kêu gọi Washington thể hiện “linh hoạt và chân thành hơn” nếu muốn có được bước đột phá với Triều Tiên.  

Trong khi đó, Đại diện thường trực Phái đoàn Nga tại LHQ, Đại sứ Vassily Nebenzia, ngày 25/5 nói rằng ông sẽ chờ xem văn bản dự thảo cuối cùng của Mỹ, trước khi đưa ra bình luận. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cho biết ông không tin động thái của LHQ sẽ can dự với phía Triều Tiên “thật sự hiệu quả”.

Theo tờ Nikkei Asia, dự thảo nghị quyết nói trên của Mỹ mở rộng lệnh cấm đối với các vụ phóng tên lửa sang cả các vụ phóng tên lửa hành trình hoặc “bất kỳ hoạt động nào có thể phát triển vũ khí hạt nhân”. Bản dự thảo cũng đề xuất cắt giảm số lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ tinh chế hàng năm tới Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Trong ảnh (do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng phát ngày 17/4/2022): Một vụ thử vũ khí dẫn đương chiến thuật kiểu mới của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, quân đội hàn Quốc cho biết trong số 3 tên lửa mà Triều Tiên đã phóng ngày 24/5, dường như có 1 tên lửa đạn liên lục địa (ICBM). Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa này từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 6h00 (giờ địa phương). Tên lửa đầu tiên nhiều khả năng là một ICBM. Tên lửa này đã bay khoảng 360km, ở độ cao tối đa 540km. Theo JCS, đây có thể là tên lửa ICBM Hwasong-17 mới nhất của Triều Tiên.

Tên lửa thứ 2, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), có độ cao khoảng 20 km và "đã biến mất" - một dấu hiệu cho thấy vụ phóng thất bại. Tên lửa thứ 3, cũng được cho là SRBM, đã bay được quãng đường 760 km ở độ cao 60 km.

Ngoại trưởng và quan chức cấp cao các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 25/5 đã có các cuộc trao đổi trong đó bày tỏ quan ngại về vụ phóng thử các tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên mới thực hiện.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng nước này Park Jin và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới với Triều Tiên. Hai bên đánh giá động thái mới của Bình Nhưỡng là hành động làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Trong cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, quan chức ngoại giao hàng đầu Hàn Quốc đã kêu gọi phản ứng quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động gia tăng căng thẳng. Hai ngoại trưởng cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác ba bên với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Trang 38 North cập nhật thông tin về tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên
Trang 38 North cập nhật thông tin về tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên

Theo trang mạng 38 North chuyên theo dõi Triều Tiên của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Triều Tiên dường như đang tiếp tục các hoạt động ở tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon, với các dấu hiệu mở rộng một số cơ sở. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện một vụ thử hạt nhân trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN