Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye trong cuộc tuần hành tại Manila ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giáo sư Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học La Plata, Argentina đã có bài phân tích đăng trên tờ Resumen Latinoamericano hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ông Ramoneda đã hoanh nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài khi cho rằng sự việc này tạo tiền lệ pháp lý quan trọng trong các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông của nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, ngoài Trung Quốc và Philippines.
Ông Ramoneda nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế và chiến lược của Biển Đông, tuyến đường giao thương quan trọng, giàu nguồn nhiên liệu và tài nguyên hải sản, đồng thời đi sâu phân tích và kết nối những sự kiện có liên quan tới những tranh chấp chủ quyền ở khu vực, đặc biệt là việc Trung Quốc chiếm đóng rạn san hô Vành Khăn.
Chuyên gia Ramoneda cũng chỉ trích việc Bắc Kinh đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 2002, tuy nhiên lại phớt lờ không thực thi văn bản này, đặc biệt là việc Bắc Kinh chiếm đóng bãi cạn Scarborough năm 2012 cũng như những hành động gia tăng việc mở rộng và xây dựng các công trình ở nhiều đảo nhân tạo.
Giáo sư Ramoneda cũng phản đối yêu sách phi lý về "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, phớt lờ các bên có liên quan, coi đây là hành động hung hăng, thay vì giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, cũng như việc nước này ngăn cản đánh bắt cá của ngư dân các nước khác ở khu vực, đe dọa tự do, an toàn hàng hải và môi trường sinh thái. Ông nhấn mạnh Philippines và Việt Nam là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hành vi của Trung Quốc.
Ông cho rằng mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài không giải quyết tận gốc rễ vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nhưng rõ ràng phán quyết này đã bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Ông cảnh báo việc Bắc Kinh tuyên bố không chấp thuận phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và thách thức luật pháp quốc tế, đặc biệt là viêc thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.