Hiệp định TPP sắp tới đích

Bộ trưởng thương mại các nước tham gia cuộc đàm phán 3 ngày ở Australia về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho biết hiệp định thương mại này đang “kết tinh”. Dù vậy, khúc mắc vẫn còn giữa Mỹ và Nhật Bản xung quanh vấn đề tiếp cận thị trường.

Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb ngày 27/10, các quan chức tham gia đàm phán đã làm được nhiều việc cơ bản để kết thúc đàm phán về TPP. Ông Robb nói: “Trong suốt cuộc họp dịp cuối tuần, chúng tôi đã dành phần lớn thời gian để đàm phán song phương. Điều này cho phép chúng tôi tiến triển xa hơn về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư”. Qua đó, ông Robb nhận định hiệp định TPP đang thành hình và tỏ ra phấn khởi: “Chúng ta đang sắp chạm tới vạch đích và phần thưởng rất hấp dẫn”.

Đại diện các nước tham gia đàm phán TPP tại thành phố Sydney, Australia ngày 25/10. Ảnh: AFP/TTXVN


TPP đã được đàm phán trong nhiều năm qua. Quá trình đàm phán gần đây bị chậm lại do tranh cãi giữa Nhật Bản và Mỹ xung quanh một số vấn đề chủ chốt, trong đó có thuế nhập khẩu nông sản của Nhật Bản và việc Mỹ tiếp cận thị trường ô tô Nhật Bản. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 6 vẫn hi vọng các bên có thể nhất trí về khung thỏa thuận vào cuối năm 2014. TPP là một vấn đề trọng tâm trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á của ông Obama.

Bất chấp những diễn biến chung tích cực trên, đại diện thương mại Mỹ và Nhật Bản cho rằng vẫn còn khác biệt giữa hai nước về vấn đề tiếp cận thị trường của nhau. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, ông Akira Amari, nói rằng đàm phán song phương có tiến triển đáng kể nhưng vẫn tồn đọng một số vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết những vấn đề để lại đến cuối mới đàm phán luôn là những thứ gai góc, khó giải quyết nhất. Ông cho biết hai nhóm đàm phán đang làm việc cùng nhau để cố gắng và giải quyết những khác biệt còn lại, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và nông nghiệp.
Vấn đề gai góc giữa hai nước là: Mỹ muốn Nhật Bản hạ thuế nhập khẩu nông sản nhưng Nhật Bản lại không đồng ý vì muốn bảo vệ các sản phẩm nhạy cảm trong nước như thịt bò, thịt lợn, sữa và đường. Nhật Bản cũng chưa chấp nhận nới lỏng các điều kiện tiếp cận thị trường ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô Mỹ.

Nhận định về ảnh hưởng của đàm phán TPP Mỹ - Nhật, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết các nước nhỏ coi đàm phán giữa các nước lớn như Mỹ, Nhật, Mexico hay Canada là một vấn đề nhạy cảm. Họ ngần ngại đưa ra cam kết của mình khi chưa biết Nhật Bản và Mỹ giải quyết bất đồng như thế nào. Do đó, thỏa thuận về TPP giữa Nhật - Mỹ được coi là có vai trò quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán của 12 nước thành viên.
Cuộc họp đàm phán TPP tại Australia cũng vấp phải cuộc biểu tình chống TPP của một số người bên ngoài địa điểm diễn ra cuộc đàm phán. Nhiều người lo ngại TPP sẽ chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp lớn chứ không làm lợi cho người dân nói chung, dẫn tới tăng giá thuốc, hạn chế tự do Internet và phá hủy môi trường. Về lo ngại này, ông Froman khẳng định 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ không có hành động gì ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng, mà TPP chỉ đảm bảo cho dòng chảy đầu tư thương mại trên toàn thế giới.

Các thành viên tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Thùy Dương

Chủ tịch nước tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ
Chủ tịch nước tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ

Ngày 22/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Ngài Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN