Tình trạng thù hận, bài ngoại, phân biệt chủng tộc đang có xu hướng lây lan mạnh chẳng kém virus SARS-CoV-2, và các chuyên gia cảnh báo xu hướng này sẽ dẫn tới tới nhiều hiểm họa khôn lường.
Sự xuất hiện của COVID-19 từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc vô hình trung đã kích động làn sóng phân biệt chủng tộc, kỳ thị và thù hận nhằm vào người gốc châu Á. Cùng với những “thuyết âm mưu” chống lại người châu Á trên mạng xã hội, những hành động cực đoan, như phỉ báng, đánh đập, tấn công người châu Á, tẩy chay doanh nghiệp châu Á cũng lây lan chẳng kém gì virus tại nhiều nước phương Tây.
Bên cạnh đó, những bài viết mang tính bài ngoại cũng gia tăng trên các mạng trực tuyến, đẩy cao làn sóng thù hận chủng tộc. Đơn cử như một bài đăng trên Instagram đầu tháng 4 còn xúi giục xả súng vào người châu Á ở New York, Mỹ với lý do "đây là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh trong thành phố". Giám đốc Viện nghiên cứu Network Contagion có trụ sở ở Mỹ, tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch và kích động trên mạng xã hội, Joel Finkelstein cho biết những nội dung kỳ thị, thù hận chủng tộc này lan truyền như một loại virus, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.
Tại châu Âu, các phong trào cánh hữu coi đại dịch này là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa những thông điệp bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Nhóm phát xít mới Die Rechte ở Đức tuyên bố rằng “Đức đáng lẽ cần phải đóng cửa biên giới đối với tất cả những người không phải dân châu Âu". Còn tại Ukraine, một nhân vật thuộc phong trào cực hữu Azov đã gửi tin nhắn trên nền tảng Telegram tuyên bố rằng sự lây lan của COVID-19 "không phải là lỗi của người da trắng" mà là do cộng đồng dân tộc thiểu số ở Italy làm lây lan virus.
Một số thuyết âm mưu khác chống người Do Thái, cho rằng chính họ đã phát tán loại virus này, cũng làm tăng nguy cơ bạo lực nhằm vào cộng đồng người Do Thái. Những phần tử thuộc nhóm Die Rechte từng kêu gọi những người mắc COVID-19 "nhỏ nước bọt hoặc ho vào tay nắm cửa tại các giáo đường Do Thái".
Cuối tháng 3, một nhân vật cực hữu chuyên cổ xúy cho bạo lực, Timothy Wilson, đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết khi chuẩn bị tấn công một bệnh viện ở Kansas City, bang Missouri, Mỹ, nơi chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Trên kênh Telegram, đối tượng này nhiều lần thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc, kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công và đưa ra những thuyết âm mưu bài Do Thái liên quan đại dịch COVID-19.
Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo những nhóm cực hữu và phát xít mới đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để kích động bạo lực và thúc đẩy thù hận chủng tộc. Giáo sư Cynthia Miller-Idriss, chuyên gia về phong trào cực hữu đồng thời là nhà xã hội học làm việc tại Đại học Mỹ (American University) nhận định: "Tình hình hiện nay thuận lợi để phong trào cực hữu khai thác và lợi dụng”.
Giới chuyên gia cho rằng tư tưởng phân biệt chủng tộc và kỳ thị vốn vẫn tồn tại trong xã hội phương Tây. Ở Đức, xu hướng tội phạm cực hữu và kỳ thị chủng tộc gia tăng trong những năm gần đây. Gần đây nhất là vụ xả súng ngày 19/2 do một đối tượng cực hữu tiến hành ở thành phố Hanau, bang Hessen, khiến 11 người thiệt mạng. Thủ tướng Đức Angela Merkel sau vụ thảm sát đã phải cay đắng thừa nhận: “Phân biệt chủng tộc là một thứ độc dược; sự thù hận là một thứ độc dược. Loại độc này tồn tại trong xã hội của chúng ta, và là nguyên nhân dẫn tới quá nhiều sự việc thảm kịch".
Giáo sư tâm lý học ở Đại học Maryland (Mỹ), Charissa Cheah nhận định đại dịch COVID-19 thực ra chỉ thúc đẩy xu hướng sẵn có và khiến nạn phân biệt chủng tộc bộc lộ rõ ràng hơn. Nói cách khác là các nhóm cực hữu tìm cách biến COVID-19 trở thành thứ vũ khí để thực hiện những ý đồ có sẵn.
Những hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và chia rẽ xã hội sâu sắc hơn, trong bối cảnh các nước đều cần sự đoàn kết và niềm tin để cùng chiến đấu vượt qua dịch bệnh. Bà Cristina Ariza, chuyên gia nghiên cứu về phong trào cực hữu thuộc tổ chức Tony Blair Instutide for Global Change, thì cho rằng khi các nhóm cực hữu tăng cường kích động bạo lực và thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội, thì rủi ro cũng gia tăng vì những lời kích động này có nguy cơ cao biến thành các vụ tấn công khủng bố hoặc những loại hình tội phạm vì hận thù, kỳ thị sắc tộc.
Thực tế cho thấy các vụ tấn công liên quan tới kỳ thị, hận thù và phân biệt chủng tộc đã tăng mạnh tại nhiều nước phương Tây trong thời gian đại dịch. Trong vòng 1 tháng, Ủy ban Hoạch định chính sách châu Á-Thái Bình Dương (A3PCON) của Mỹ đã ghi nhận hơn 1.500 trường hợp người gốc Á tại Mỹ thông báo bị tấn công bạo lực, phân biệt chủng tộc do COVID-19.
Mạng lưới cơ quan tình nguyện Hàn Quốc (VANK) đã tuyên bố khởi động chiến dịch toàn cầu chống nạn sỉ nhục, phân biệt chủng tộc đối với người châu Á tại châu Âu và Mỹ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Mạng lưới này giải thích nguyên nhân khởi động chiến dịch là bởi nếu nạn phân biệt chủng tộc không được ngăn chặn có thể sẽ dẫn đến tái diễn thảm họa diệt chủng người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành vi lợi dụng dịch bệnh để phân biệt chủng tộc, kích động thù hận,
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực toàn diện để chặn đứng "cơn sóng thần thù hận và bài ngoại" do COVID-19 gây ra, bởi vấn nạn này đang hủy hoại những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. "Có hai điều mọi người cần nhớ mỗi sáng thức dậy: Rửa tay và đừng trở thành kẻ phân biệt chủng tộc” - thông điệp này được nhắc đi nhắc lại trong những ngày đại dịch, như một lời cảnh báo rằng tư tưởng kỳ thị, cực đoan và thù hận chủng tộc có thể còn nguy hiểm hơn cả virus SARS-CoV-2.