Theo phân tích của tạp chí Financial Times, ngành công nghiệp dầu mỏ, trong đó có các tập đoàn BP, Shell và TotalEnergies, là ngành chịu tổn thất tài chính lớn nhất khi rời khỏi Nga.
Trong tổng số thiệt hại khoảng 110 tỷ USD, khoản tổn thất của các “ông lớn” dầu khí chiếm khoảng 40%. Tiếp theo là ngành tiện ích, chiếm hơn 15% tổng thiệt hại.
BP năm ngoái đã chịu thiệt hại 24 tỷ USD đối với hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi rời khỏi đất nước này. Tập đoàn này có cổ phần nhỏ trong Rosneft.
Trong khi đó, Shell đã báo cáo sụt giảm 5 tỷ USD khi rút khỏi Nga vào năm ngoái, song tuyên bố điều đó sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận dầu khí của họ. Đây là một trong những công ty đầu tiên tuyên bố sẽ rời Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Mặt khác, TotalEnergies rút lui khá chậm. “Ông lớn” của Pháp có cổ phần trong dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 do Novatek dẫn đầu. Và vào cuối năm 2022, Total thông báo sẽ từ bỏ dự án nó và rời đi, gây thiệt hại 3,7 tỷ USD do không thể bán lại cho Novatek vì lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Đầu năm nay, TotalEnergies cho biết họ sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 4,1 tỷ USD vì quyết định từ bỏ thị trường Nga. Phần lớn nhất của con số thiệt hại trên liên quan đến dự án Arctic LNG 2 của Novatek và việc giảm trữ lượng khí đốt mà TotalEnergies phải đối mặt khi rút lui. Theo tính toán của Financial Times, tổng thiệt hại của TotalEnergies khi rời Nga là 14,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, đây chỉ là những cú đánh trực tiếp vào các công ty lớn. Thời báo tài chính của Anh đã nghiên cứu các báo cáo gần đây hơn của các tập đoàn dầu khí để tính toán chi tiết thiệt hại. Điều đó có nghĩa là những khoản phí tổn thất đó mới chỉ là bước khởi đầu. Các tính toán cũng không bao gồm việc giá dầu và khí đốt tăng đột biến vào năm ngoái.
Sự gia tăng về giá cả đó chắc chắn mang lại lợi ích cho các công ty dầu khí, phần nào giảm bớt đòn giáng cho BP, Shell và TotalEnergies, nhưng đồng thời, nó giáng một đòn mạnh vào tất cả các công ty khác vốn đã phải chịu lỗ hàng tỷ USD từ việc rút khỏi Nga.
Trong khi đó, BP, Shell và Total đã ghi nhận những khoản lỗ lớn nhất đối với các hoạt động kinh doanh tại Nga vì quy mô tiếp xúc với ngành dầu khí địa phương. Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt cao kỷ lục đã bù đắp cho những tổn thất đó khi. Cả ba tập đoàn đã ghi nhận tổng cộng 104 tỷ USD tiền lãi - cao gấp 2,5 lần so với chi phí tổn thất khoảng 40 tỷ USD.
Các nhà sản xuất ô tô như Volkswagen và Renault, cùng với các nhà sản xuất hóa chất, cũng chịu tổn thất nặng nề khi rời thị trường Nga. Nhưng một số công ty đa quốc gia như Nestle và Unilever vẫn ở lại Nga. Các ngân hàng, bao gồm Unicredit và Raiffeisen, cũng tiếp tục hoạt động ở nước này, mặc dù cả hai đều cho biết đang tìm kiếm người mua lại các doanh nghiệp tại Nga.
Các công ty tiện ích như Uniper và Wintershall Dea cũng mất hàng tỷ USD khi rời khỏi Nga, với tổng chi phí lên tới 16 tỷ USD.
Mặc dù vậy, hơn một nửa số doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Nga trước năm 2022 vẫn ở lại nước này, theo một viện nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiyv. Trước năm 2022, tổng số các thực thể này là 1.871.
Một số công ty năng lượng lớn của Nhật Bản vẫn ở lại Nga bất chấp lệnh trừng phạt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mà Nhật Bản là thành viên. Chính phủ Tokyo năm ngoái đã đánh giá cổ phần mà các công ty Nhật Bản nắm giữ trong các dự án dầu khí Sakhalin-1 và Sakhalin-2 là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước. Do đó, các cổ đông Nhật Bản trong các dự án này được đề nghị giữ lại cổ phần của họ.