Hành trình 389 ngày và tiếng kêu cứu từ Bắc Cực

Khu vực Bắc Cực có khí hậu khắc nghiệt và nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ đang bị đe dọa bởi tình trạng ấm dần lên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tàu Polarstern trở lại cảng Bremerhaven, Đức ngày 12/10/2020, sau khi kết thúc hành trình 389 ngày đi qua những lớp băng của Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu tham gia sứ mệnh lớn nhất thế giới về thám hiểm Bắc Cực kết thúc hành trình trong ngày 12/10 và trong hành trình trở về của họ sẽ có những bằng chứng về một Bắc Băng Dương đang hấp hối và những cảnh báo về mùa hè Bắc Cực không băng tuyết trong vài thập kỷ tới.

Con tàu Polarstern thuộc Viện Alfred Wegener (Đức) vừa trở lại cảng Bremerhaven sau 389 ngày đi qua những lớp băng của Bắc Cực, cho phép các nhà khoa học thu thập những thông tin quan trọng về sự tác động của tình trạng Trái Đất ấm dần lên đối với khu vực này.

Nhóm nghiên cứu gồm 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia trên thế giới đã chứng kiến tận mắt những tác động đáng kể của tình trạng ấm dần lên toàn cầu đối với băng ở Bắc Cực - nơi vốn được coi là "tâm chấn của biến đổi khí hậu".

Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Markus Rex cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến biển Bắc Cực đang chết đi như thế nào. Chúng tôi thấy điều này diễn ra ngay bên ngoài cửa sổ con tàu, hoặc khi chúng tôi đi bộ trên những lớp băng giòn".

Nhấn mạnh rằng lượng băng đã tan đi là rất lớn, chuyên gia Rex cho biết tàu của ông đã di chuyển dọc lối băng tan theo hướng và nhiều lúc đi qua cả những vùng nước rộng lớn "đôi khi kéo dài tới tận chân trời”. Ông nhấn mạnh: "Ngay tại chính Bắc Cực, chúng tôi nhận thấy băng đã bị xói mòn nghiêm trọng, tan chảy, mỏng hơn và trở nên rất giòn". Theo chuyên gia này, nếu xu hướng ấm lên ở Bắc Cực còn tiếp diễn, trong vài thập kỷ nữa, thế giới sẽ có "một Bắc Cực không có băng vào mùa hè".

Những ghi nhận này của các nhà nghiên cứu cũng đã được củng cố bởi những hình ảnh từ vệ tinh của Mỹ, trong đó cho thấy vào năm 2020, lượng băng ở Bắc Cực trong mùa hè đã đạt mức thấp thứ hai trong lịch sử kể từ năm 2012.

Sứ mệnh Polarstern - hay còn được gọi là MOSAIC - đã dành hơn một năm để thu thập dữ liệu về bầu khí quyển, đại dương, lượng băng trên biển và các hệ sinh thái, để giúp đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực và thế giới.

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thiết lập 4 điểm quan sát trên bề mặt băng trên biển, trong bán kính tối đa 40 km xung quanh con tàu. Họ cũng thu thập các mẫu nước từ bên dưới lớp băng trong đêm để nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, qua đó có thể hiểu rõ hơn về cách thức hệ sinh thái biển tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.

Chuyến thám hiểm với kinh phí 140 triệu euro (165 triệu USD) cũng mang về 150 terabyte dữ liệu và hơn 1.000 mẫu băng. Theo chuyên gia Rex, "cuộc thám hiểm sẽ tạo ra kết quả ở nhiều cấp độ khác nhau". Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng hơn 100 thông số mà họ đo được gần như liên tục trong suốt năm qua sẽ có thể mang lại "bước đột phá trong những hiểu biết về Bắc Cực và hệ thống khí hậu". Việc phân tích những dữ liệu này sẽ mất đến hai năm, với mục đích phát triển các mô hình giúp dự đoán các đợt nắng nóng, mưa lớn hoặc bão hình thành trong 20, 50 hoặc 100 năm tới.

Chú thích ảnh
Tàu Polarstern trở lại cảng Bremerhaven, Đức ngày 12/10/2020, sau khi kết thúc hành trình 389 ngày đi qua những lớp băng của Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi con tàu khởi hành từ Tromso (Na Uy) ngày 20/9/2019, các thủy thủ đoàn đã trải qua nhiều tháng dài chìm trong bóng tối hoàn toàn - hiện tượng được gọi là đêm vùng cực (polar night), khi mức độ ánh sáng giảm xuống mức rất thấp trong phần lớn thời gian trong năm, và nhiệt độ thấp nhất là -39,5 độ C. Ngoài ra, họ cũng "gặp gỡ" khoảng 20 con gấu Bắc Cực.

Là "ngôi nhà" của hơn 21.000 loài động thực vật, Bắc Cực là một trong những khu vực rộng lớn cuối cùng trên thế giới vẫn còn trong tình trạng hoang dã. Tuy nhiên, sự gia tăng trong các hoạt động của con người như đánh bắt cá, vận tải, du lịch và thăm dò tài nguyên đã đe dọa hệ sinh thái mong manh của Bắc Cực.

Kể từ những năm 1990, tình trạng biến đổi khí hậu do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã đẩy nhiệt độ ở Bắc Cực tăng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình trên thế giới.

Năm 2019, khu vực này trải qua năm nóng thứ hai trong lịch sử kể từ năm 1900, đồng thời cũng là năm ghi nhận tảng băng trôi nhỏ thứ hai trong lịch sử. Trong năm 2020, tảng băng này thậm chí còn "co lại" nhiều hơn.

Không chỉ tác động tới Bắc Cực, tình trạng ấm dần lên toàn cầu còn làm giảm diện tích của Bắc Băng Dương - vốn là khu vực có băng phủ vĩnh viễn, khiến các loài vật ngụ cư tại đây như gấu Bắc Cực, cá voi đầu cung, hải cẩu và chim biển đứng trước nguy cơ lớn về sự diệt vong.

Thanh Phương (TTXVN)
Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới khởi hành tới Bắc Cực
Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới khởi hành tới Bắc Cực

Arktika - tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Nga khẳng định là lớn nhất và mạnh nhất thế giới - đã rời thành phố St. Petersburg của Nga để đến cảng Murmansk ở Bắc Cực trong một cuộc hành trình kéo dài hai tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN