Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, nắng nóng gay gắt cùng với chất lượng không khí kém đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người khi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giới chức y tế cho biết số ca nhiễm trùng tim và mắc các bệnh về đường hô hấp đã tăng mạnh, trong khi ghi nhận các ca tử vong do thời tiết nắng nóng cực độ.
IFRC và các tổ chức quốc gia đang khẩn trương hỗ trợ người dân ứng phó với các đợt nắng nóng cực đoan. Họ thiết lập các điểm hỗ trợ ở những nơi công cộng như bệnh viện, trạm y tế,... cho người lao động, đồng thời cung cấp khẩu trang nhằm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro khi cơ thể bị mất nước, trong khi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế để theo dõi tình hình. Những người dễ bị tổn thương nhất do sóng nhiệt là trẻ em, sản phụ và những người lao động.
Mặc dù những cơn mưa rải rác ở một số nơi đã góp phần xoa dịu nắng nóng và hạn chế tình trạng ô nhiễm, nhưng về tổng thể thì không giúp giảm cường độ nóng và độ ẩm. Do đó, không giảm thiểu được nguy cơ liên quan tình trạng nắng nóng cực đoan trong những tuần tới.
Seth Sarmiento, điều phối viên Quản lý Rủi ro Đô thị Khu vực, Văn phòng Khu vực châu Á- Thái Bình Dương của IFRC, cho biết sóng nhiệt là một "mối đe dọa thầm lặng", song con người vẫn có cách để giảm bớt tác động của nắng nóng cực đoan. Ông khuyến nghị các nước tìm cách thích nghi và cải thiện khả năng dự báo thời tiết để có hành động ứng phó sớm, tránh các thiệt hại nghiêm trọng về người.
Châu Á đang trải qua một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất lịch sử. Thời gian gần đây, nhiều nước Đông Nam Á và các nước khác trong châu lục đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục. Nhiều chuyên gia khí hậu cho rằng tình trạng nắng nóng cực đoan ngày càng trầm trọng có nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.