Hàng triệu người Ấn Độ rơi vào bế tắc vì vaccine nội địa chưa được công nhận

Mắc kẹt trong một ngôi làng ở miền nam Ấn Độ suốt 9 tháng, không thể quay lại Saudi Arabia để làm việc, Sugathan P.R., 57 tuổi, đang mòn mỏi hy vọng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận Covaxin, loại vaccine COVID-19 nội địa của Ấn Độ, “mở đường” cho chuyến bay của anh.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covaxin do Bharat Biotech sản xuất tại một điểm tiêm chủng ở New Delhi, Ấn Độ hôm 31/8. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), giống như Sugathan, hàng triệu người đã tiêm Covaxin - vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất - cũng đang rơi vào bế tắc khi việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn. Loại vaccine “cây nhà lá vườn” của Ấn Độ vẫn chưa được một số quốc gia công nhận.

“Tôi không thể tiếp tục thất nghiệp ở đây thêm nữa”, Sugathan, người đã trở về làng Pandalam, bang Kerala hồi tháng 1 để thăm gia đình, cho biết. Ông đã không thể về dự đám tang của cha mình vào năm ngoái do đại dịch bùng phát làm gián đoạn các chuyến bay quốc tế.

Sugathan chia sẻ ông đã định đến Saudi Arabia để tiêm vaccine Covidsheld (AstraZeneca) sau khi thực hiện cách ly 4 ngày, nhưng ông không rõ ảnh hưởng của nó với sức khoẻ. “Nhưng nếu Covaxin không được phê duyệt, tôi sẽ mạo hiểm đi và tiêm một loại vaccine khác được Saudi Arabia phê duyệt”, ông cho biết thêm.

WHO dự kiến có cuộc thảo luận cuối cùng về việc phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covaxin vào ngày 26/10. Tổ chức này đã cân nhắc về dữ liệu do nhà sản xuất Bharat Biotech cung cấp từ đầu tháng 7 nhưng cho biết họ không thể “đốt cháy giai đoạn” trong việc đưa ra quyết định.

Nếu không có sự chấp thuận của WHO, Covaxin khó có thể được phê duyệt trở thành một loại vaccine hợp lệ trên toàn cầu. Điều này cũng sẽ làm phức tạp kế hoạch đi lại của nhiều người Ấn Độ đã tiêm loại vaccine này.

Chú thích ảnh
Ông Sugathan, người đã được tiêm hai mũi Covaxin của Bharat Biotech hái rau trong khu vườn ở làng Pandalam, Kerala, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ông Rajan Pallivadakethil Unnunni, 59 tuổi, từng làm thợ hàn ở Kuwait suốt 20 năm, đã trở về thăm quê hương Ấn Độ vào cuối năm ngoái. Nhưng sau đó ông không thể quay lại vì Kuwait không chấp nhận Covaxin. Hiện Rajan đang phải vật lộn để trả khoản vay ngân hàng 20.000 USD. Ông đã mở một quầy bán gà nhỏ ở Kerala và chỉ kiếm được 4 USD mỗi ngày.

“Nếu tôi không thể quay lại Kuwait, tôi sẽ không thể trả khoản vay và tiền học của con cái. Tôi chỉ có thể mua vé đến Kuwait chỉ khi ứng dụng của chính phủ hiển thị tín hiệu xanh”, Rajan nói.

Hiện Covishield và Covaxin là hai vaccine chủ lực trong chương trình tiêm phòng COVID-19 của quốc gia Nam Á này. Nguồn cung hai loại vaccine này khá dồi dào khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đang sản xuất 220 triệu liều Covishield/tháng, tăng từ 150 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, công ty Bharat Biotech đang cung cấp 30 triệu liều Covaxin/tháng và dự kiến con số này sẽ tăng lên 50 triệu liều trong tháng tới.

Chín tháng sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tính đến ngày 21/10, Ấn Độ đã vượt ngưỡng tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19. Hiện đã có trên 708 triệu người dân nước này tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm.

Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng tốc để quay trở lại “đường đua” xuất khẩu vaccine trong những tháng tới. Song cho đến nay, chính phủ nước này cho biết họ không có kế hoạch tiêm liều tăng cường và thay vào đó tập trung vào việc tiêm cho càng nhiều người càng tốt.

Hải Vân/Báo Tin tức
Dịch cúm gia cầm ở người tại Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm ngoái
Dịch cúm gia cầm ở người tại Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với năm ngoái

Số người nhiễm cúm gia cầm ở Trung Quốc tăng vọt trong năm nay đang làm dấy lên lo ngại rằng chủng virus xuất hiện trước đây dường như đã biến đổi và có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN