Kênh CNN đưa tin sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Bảo vệ Khí hậu Thụy Sĩ (SACP) là một hoạt động nằm trong sáng kiến kêu gọi loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon dioxide ở Thụy Sĩ trước năm 2050.
Bà Alessandra Degiacomi – Điều phối viên của Hiệp hội Bảo vệ khí hậu Thụy Sĩ, người điều hành tang lễ - cho biết có khoảng 250 người đã đi bộ đến sông băng Pizol để tổ chức lễ tang cho dòng sông này.
Tại buổi lễ, một linh mục địa phương đã có bài phát biểu tưởng nhớ dòng sông băng sắp biến mất hoàn toàn. Nhiều người dân địa phương, người leo núi và các nhà hoạt động môi trường đều mặc trang phục màu đen, đặt vòng hoa bên dòng sông để tỏ lòng tiếc thương thành kính với dòng sông Pizol.
“Sông băng Pizol đã biến mất. Vẫn còn một ít tuyết nhưng sông băng thì không còn nữa. Một vài tảng băng nhỏ nằm xung quanh, nhưng những tảng băng này dần dần bị bao phủ bởi các mảnh vụn đá từ trên núi. Với những gì còn sót lại, chúng tôi sẽ không thể coi nó là sông băng theo thuật ngữ khoa học”, ông Huss nói.
Dòng sông băng Pizol trên dãy Glarus Alps, phía Đông Thụy Sĩ ở độ cao khoảng 2.700 mét đã bị mất khoảng 80 – 90% lượng băng kể từ năm 2006. Ông Matthias Huss – chuyên gia về sông băng tại Đại học ETH Zurich – cho biết hiện nay sông băng Pizol chỉ còn 26.000 m2 băng, diện tích này nhỏ hơn 4 sân bóng đá.
Cũng theo chuyên gia Huss, dòng sông băng này đã được theo dõi từ năm 1983 và là sông băng đầu tiên được đưa ra khỏi mạng lưới giám sát sông băng của Thụy Sĩ.
Bà Degiacomi nhận định 80% sông băng tại Thụy Sĩ cũng đang biến mất tương tự như Pizol. Đây là dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang nóng lên và điều này sẽ xảy ra nếu chúng ta không thay đổi hành vi của mình.
Hiệp hội Bảo vệ khí hậu Thụy Sĩ đã thu được 120.000 chữ ký, nhiều hơn số lượng cần thiết là 100.000 đủ để đưa ra yêu cầu về một sáng kiến giúp Thụy Sĩ phải cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống 0% trước năm 2050.
Đây không phải là lần đầu tiên một ‘lễ tang’ được tổ chức để tưởng nhớ một dòng sông băng. Hồi tháng 7, các nhà khoa học cũng đã làm “lễ tang” vì sự biến mất của sông băng Okjökull 700 tuổi – sông băng đầu tiên tại Iceland bị tan chảy do biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 cũng đã cảnh báo rằng các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy với tốc độ chóng mặt, mất gần nửa mét băng mỗi năm kể từ đầu thế kỷ này do sự nóng lên toàn cầu.