Tuy nhiên diễn biến này đang gây quá tải và căng thẳng cho đường sắt Nga.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), với việc các quốc gia đẩy mạnh bổ sung kho dự trữ và xuất khẩu hàng hóa kể từ khi phục hồi sau đại dịch, các cảng biển toàn cầu đang hoạt động hết công suất. Điều này phần nào khiến đường sắt trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn.
Công ty Đường sắt Nga cho biết tổng lưu lượng container quá cảnh Nga đã tăng 40% trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 782.000 TEU (tương đương container dài 6 m) và có thể đạt kỷ lục 1 triệu TEU trong năm nay.
Doanh nghiệp nhà nước này bổ sung: “Ở giai đoạn đầu năm, giá vận chuyển hàng hóa trong container qua đường sắt giữa châu Á và châu Âu rẻ gấp đôi vận chuyển bằng đường biển. Hiện giờ mức giá thậm chí còn thấp hơn 3,5 lần”.
Phần tăng trưởng mạnh nhất là dọc tuyến đường Trung Quốc-Nga-châu Âu nơi lưu lượng vận chuyển trong 9 tháng đầu năm đã tăng 47% lên 568.700 TEU. Tuy nhiên, nhiều nhà vận hành và nhà phân tích cho rằng tăng trưởng nhanh đồng thời đã bộc lộ vấn đề cơ sở hạ tầng có thể gây hạn chế. Ông Alexey Bezborodov tại công ty phân tích dữ liệu vận tải và cơ sở hạ tầng Infraproject (Mỹ) cho biết một trong những vấn đề này bao gồm thiếu nhân lực.
Reuters đưa tin rằng dòng vận chuyển hàng hóa đã gặp trở ngại bởi năng suất thấp tại các tuyến đường sắt cũng như tắc nghẽn gần các cảng biển và cửa khẩu.
Chính phủ Nga đã đưa ra kế hoạch dài hạn tăng năng lực ngành đường sắt nước này. Vào năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị đến năm 2024 tăng số container vận chuyển lên 1,7 triệu TEU, gấp 4 lần so với mức năm 2017.
Để đạt được mục tiêu này, công ty Đường sắt Nga đầu tư 2,8 tỷ USD trong giai đoạn từ 2019 đến 2024 với dự án “Vận chuyển trong 7 ngày” nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ biên giới phía Đông đến biên giới phía Tây nước này chỉ còn trong 1 tuần thay vì 11-14 ngày như thông lệ.