Gần đó là một chiếc bát nhựa, đựng đầy thuốc nhuộm xanh và một vài chiếc găng tay vứt bừa bãi. Giới chức Thái Lan cho biết một số người lao động nhập cư đang tái cố tái chế những đôi găng tay bẩn thỉu, nhăn nhúm này thành sản phẩm mới. Sự việc đã bị phát hiện khi cơ quan y tế Thái Lan đột kích vào một cơ sở hồi tháng 12/2020.
Nhưng từ đó đến nay, có rất nhiều cơ sở ở Thái Lan vẫn tiếp tục tái chế găng tay bẩn để kiếm lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu về găng tay y tế Nitrile bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Những nhà kho này đang đóng gói hàng triệu đôi găng tay theo tiêu chuẩn Mỹ để xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều quốc gia khác, khi tình trạng thiếu hụt đang trở nên cấp bách.
Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của CNN đã phát hiện ra rằng hàng chục triệu đôi găng tay Nitrile đã qua sử dụng, kém chất lượng đã được đưa đến Mỹ, theo hồ sơ nhập khẩu và các nhà phân phối đã mua găng tay. Song đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Giới chức Mỹ và Thái Lan đang tiến hành các cuộc điều tra hình sự để làm rõ vụ việc.
Chuyên gia Douglas Stein mô tả ngành công nghiệp sản xuất găng tay này đầy rẫy gian lận. Ông cho rằng găng tay Nitrile hiện là “mặt hàng nguy hiểm nhất trên Trái Đất”.
“Có một lượng rất lớn sản phẩm kém chất lượng đang được tiêu thụ tràn lan. Vô số đôi găng tay bẩn thỉu, cũ kỹ và không đạt tiêu chuẩn đang tràn vào Mỹ. Nhưng giới chức giờ đây mới nhận thấy quy mô khổng lồ này”, ông nói.
Bất chấp rủi ro tiềm ẩn đối với nhân viên y tế và bệnh nhân tuyến đầu, giới chức Mỹ đã phải chật vật để xử lý hành vi buôn bán bất hợp pháp găng tay, một phần là do các quy định nhập khẩu đối với thiết bị bảo hộ y đã tạm bị đình chỉ khi đại dịch bùng phát.
Hồi tháng 2-3 năm nay, một công ty Mỹ đã cảnh báo cơ quan Hải quan và Biên phòng cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) rằng họ đã nhận được các lô hàng lớn găng tay không đạt tiêu chuẩn, bẩn thỉu từ một công ty ở Thái Lan. Tuy nhiên, công ty này vẫn cố xuất xưởng thêm hàng chục triệu đôi găng tay trong những tháng tiếp theo, gần đây nhất là vào tháng 7.
FDA cho biết họ không bình luận về các lô hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cơ quan này đã thực hiện “một số động thái nhằm phát hiện và ngăn chặn những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm kém chất lượng không được phê duyệt, bằng những kinh nghiệm trong việc điều tra, kiểm tra và xem xét các sản phẩm y tế, cả ở biên giới và thương mại nội địa”.
Từ đầu năm 2020,k hi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đã tăng vọt trên toàn cầu. Giá găng tay Nitrile vẫn ở mức cao. Găng tay y tế Nitrile là loại thường được các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng để khám bệnh cho bệnh nhân. FDA đã cấm sử dụng cao su dạng bột trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, do đó găng tay y tế có bột không được phép lưu hành tại quốc gia này.
Găng tay, được sản xuất gần như hoàn toàn ở Nam và Đông Á, dựa vào nguồn cung cao su tự nhiên hữu hạn, cùng các nhà máy chuyên môn hóa cao và chuyên môn sản xuất phù hợp. Nhưng việc gia tăng nguồn cung từ các thương hiệu đáng tin cậy, lâu đời không thể diễn ra nhanh chóng. Các chính phủ và hệ thống bệnh viện đã phải tranh giành để có được sản phẩm này. Cơ hội đó đã khiến hàng chục công ty mờ ám tìm cách kiếm lợi nhuận.
Cuối năm ngoái, Tarek Kirschen, một doanh nhân có trụ sở tại Miami, đã đặt hàng khoảng 2 triệu USD găng tay từ Công ty Paddy the Room có trụ sở tại Thái Lan. Sau đó, anh đã bán lại cho một nhà phân phối ở Mỹ.
“Nhưng chúng tôi bắt đầu nhận được các cuộc gọi phản ánh từ phía khách hàng. Họ hoàn toàn khó chịu”, Kirschen nói và cho biết sau đó anh đã tận mắt kiểm tra sản phẩm khi lô hàng thứ 2 đến Miami. “Nhưng đây là những chiếc găng tay đã qua sử dụng. Chúng đã được giặt sạch để tái chế. Một số chiếc bị bẩn, thậm chí còn dính máu. Một số vẫn đánh dấu ngày sản xuất từ 2 năm trước. Tôi không thể tin vào mắt mình”.
Kirschen cho biết anh đã hoàn lại tiền cho khách hàng của mình, tiêu huỷ lô găng tay và thông báo cho FDA vào tháng 2/2021. Kirschen cũng nói rằng không có lô găng tay nào mà anh đặt hàng được sử dụng trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên, phân tích của CNN về hồ sơ nhập khẩu cho thấy các nhà phân phối khác của Mỹ đã mua gần 200 triệu đôi găng tay từ Paddy the Room trong thời gian xảy ra đại dịch. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với những lo găng tay đó sau khi nhập cảnh.
Theo các chuyên gia, nguồn găng tay kém chất lượng cũng đã được đưa vào Mỹ dễ dàng hơn nhờ các quy định tạm ngừng nhập khẩu của FDA. Trong một tuyên bố, FDA cho biết các công ty được phép nhập khẩu theo các quy tắc nới lỏng, “miễn là găng tay phù hợp với các tiêu chuẩn đồng thuận và gắn nhãn theo hướng dẫn”. Tuy nhiên, có rất ít cuộc kiểm tra thực tế đối với găng tay hoặc bất kỳ mặt hàng nào khác khi đến các cảng của Mỹ. Do đó, nhiều lô găng tay y tế giả hoặc bị nhiễm bẩn sẽ không được phát hiện chỉ khi chúng được đưa đến nơi sử dụng.