Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, quyền Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Lee Sang-ryeol đã triệu Bí thứ phụ trách các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Nhật Bản ở nước này, ông Taisuke Mibae. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã triệu ông Tatsuya Watanabe - một tùy viên quân sự của Nhật Bản để bày tỏ sự phản đối trong vấn đề nêu trên.
Trước đó, cùng ngày, Tokyo đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019, trong đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của nước này đối với vùng lãnh thổ tranh chấp nói trên - nội dung xuất hiện trong Sách trắng Quốc phòng hằng năm của Nhật Bản kể từ năm 2005.
Hàn Quốc kiểm soát quần đảo này từ năm 1945 đến nay, trong khi Nhật Bản liên tục tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Seoul.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang thị trường Hàn Quốc.
Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo. Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc và có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do, cũng như ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc cũng đã loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.