Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Park Young-joon, người đứng đầu nhóm hỗ trợ điều tra phản ứng bất lợi của vaccine ở Hàn Quốc, cho biết đây là trường hợp thứ 2 được báo cáo về hiện tượng “hình thành huyết khối” (xuất hiện cục máu đông) sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.
Ông Park Young-joon cho biết một ngày sau khi tiêm vaccine, nam thanh niên này xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu và ớn lạnh vào ngày 11/3, và kéo dài sang ngày 14 - 15/3. Sau đó, người này đã tới điều trị tại một cơ sở y tế, tại đây các bác sĩ đã phát hiện chứng huyết khối.
Các cơ quan có thẩm quyền đang nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân cũng như điều tra tiền sử dịch tễ xem liệu người này có bệnh lý nền có thể gây ra hiện tượng đông máu hay không.
Hiện sức khỏe của nam thanh niên đang ở trong tình trạng ổn định và vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine và được xác nhận có tình trạng đông máu cục bộ. Người này là bệnh nhân ở độ tuổi 60, được đưa vào bệnh viện điều dưỡng, tiêm vaccine của hãng AstraZeneca và có cục máu đông theo kết quả khám nghiệm tử thi.
Gần đây, một số nước trên thế giới đã quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 17/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca "tại thời điểm này" vì WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ.
Nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cũng khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca, đồng thời nêu rõ cho đến nay WHO chưa tìm thấy sự liên quan nào giữa hiện tượng đông máu và vaccine này.
Về phía AstraZeneca, họ cho rằng không có cơ sở để khẳng định vaccine của họ gây ra vấn đề máu đông. Hiện số người đã tiêm vaccine của họ lên tới trên 10 triệu, và thống kê cho thấy tỷ lệ xảy ra hiện tượng máu đông là rất thấp.