Theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae ngày 6/6 cho biết nước này muốn tiến hành một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng với CHDCND Triều Tiên vào ngày 12/6 tới ở Seoul để giải quyết các vấn đề khu công nghiệp chung Kaesong, du lịch tới núi Kumgang, cũng như vấn đề các gia đình ly tán giữa hai miền Triều Tiên. Ô tô đi qua trạm kiểm soát quân sự ở Paju, trên đường tới khu Công nghiệp Kaesong ngày 6/6. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Phát biểu trên của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc được đưa ra sau khi Triều Tiên cùng ngày đề xuất tiến hành đàm phán chính thức giữa hai miền. Bình Nhưỡng đề nghị Seoul chọn thời gian và địa điểm tiến hành đối thoại.
Ông Ryoo kêu gọi Triều Tiên khởi động lại các kênh liên lạc để tiến hành những cuộc thảo luận cấp chuyên viên chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vào tuần tới, đồng thời bày tỏ hy vọng "việc tiến hành các cuộc đàm phán là cơ hội để các mối quan hệ liên Triều phát triển theo hướng tin cậy lẫn nhau".
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một tuyên bố đặc biệt của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên đề nghị tiến hành đối thoại giữa chính quyền hai miền về việc cho hoạt động trở lại khu công nghiệp chung Kaesong cũng như nối lại tour du lịch tới núi Kumgang nhân kỷ niệm 13 năm ngày ký Tuyên bố chung liên Triều (15/6). Bình Nhưỡng cũng đề nghị tổ chức các sự kiện chung kỷ niệm ngày ký Tuyên bố chung 15/6 cũng như 41 năm ngày ra tuyên bố chung về tái thống nhất hòa bình (4/7), với sự hiện diện của giới chức hai bên.
Tuyên bố chung liên Triều được ký ngày 15/6/2000 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều và trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Tuyên bố này đã dẫn tới giai đoạn Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương trên quy mô lớn và đẩy mạnh các mối quan hệ kinh tế.
Đáp lại đề xuất trên của Triều Tiên, Bộ Thống Nhất Hàn Quốc đã ra một tuyên bố cho biết Chính phủ Hàn Quốc "nhìn nhận tích cực" về động thái của Bình Nhưỡng và hy vọng các cuộc đàm phán "sẽ là cơ hội để xây dựng lòng tin".