Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ mục tiêu của chính phủ là hoàn tất việc tiêm phòng cho 60-70% dân số trước khi mùa Thu tới. Nếu kế hoạch được tiến hành suôn sẻ, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước thoát khỏi đại dịch COVID-19 sớm nhất. Nhà chức trách cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc đặt mua vaccine. Theo ông Chung Sye-kyun, hãng dược phẩm Pfizer sẽ chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 từ quý III năm nay, nhưng chính phủ và các tập đoàn có liên quan quan đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch sớm nhất là từ tháng 2 tới.
Hiện Hàn Quốc đã đảm bảo được 56 triệu liều vaccine từ 4 công ty dược phẩm và sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số này nhiều hơn cả lượng vaccine cần thiết cho 52 triệu người dân Hàn Quốc. Theo kế hoạch hiện nay, vaccine của AstraZeneca sẽ được chuyển giao cho Hàn Quốc vào tháng 2 và tháng 3, tiếp đó là vaccine của Janssen và Moderna vào quý II, cuối cùng là vaccine của Pfizer vào quý III năm nay.
* Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 4/1 cho biết Chính phủ Thái Lan đang tìm cách mua thêm 35 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nâng tổng số đơn đặt hàng của nước này lên 63 triệu liều.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha không tiết lộ lượng vaccine bổ sung sẽ được mua từ đâu, nhưng nhấn mạnh chính phủ cần đảm bảo chúng an toàn, không có tác dụng phụ và phù hợp với các tiêu chuẩn do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đặt ra.
Bộ Y tế Thái Lan cho hay lô đầu tiên của đơn đặt hàng từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc gồm 200.000 liều dự kiến sẽ tới Thái Lan vào tháng tới, trong khi lô thứ hai gồm 800.000 liều sẽ đến vào tháng 3 và 1 triệu liều còn lại sẽ đến vào tháng 4. Chính phủ Thái Lan đang sắp xếp các nhóm được ưu tiên tiêm phòng.
Thái Lan gần đây cũng đã ký thỏa thuận với AstraZeneca để mua 26 triệu liều vaccine và quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở Thái Lan, với lô hàng sẽ được chuyển giao vào tháng 5 tới. Vaccine này sẽ do công ty Siam Bioscience của Thái Lan sản xuất với công thức và công nghệ do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Theo Bộ Y tế Thái Lan, Chính phủ của Thủ tướng Prayut đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số, tức khoảng 33 triệu người vào cuối năm 2021 bằng các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nhà khoa học Đại học tổng hợp Bilkent của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển thiết bị có khả năng phát hiện virus SARS-CoV-2 trong 10 giây.
Theo trang web của Đại học Bilkent, sản phẩm này sẽ giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 trong tối đa 10 giây dựa trên mẫu nước bọt. Mẫu nước bọt lấy từ bệnh nhân sẽ được trộn với một dung dịch đặc biệt và đặt trên một chip phát hiện mầm bệnh, sau đó sự hiện diện của virus sẽ được xác nhận bằng tín hiệu huỳnh quang. Đại học tổng hợp Bilkent lưu ý rằng hệ thống chẩn đoán quang học sẽ thay đổi màu sắc của ánh sáng khi có virus, nhờ đó phát hiện chính xác được virus. Theo các nghiên cứu tiền lâm sàng, thiết bị đã cho thấy hiệu quả 99% trong việc phát hiện virus SARS-CoV-2.