Hàn Quốc: Đảo du lịch Jeju nói không với cốc dùng một lần

Đồ dùng một lần chỉ mất 5 giây để tạo ra và 5 phút để sử dụng rồi vứt bỏ nhưng sẽ mất hơn 500 năm để phân hủy. Mặc dù vẫn được coi là nguồn rác thải tái chế thông qua thu gom riêng biệt song tỷ lệ tái chế thực tế rất thấp do quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Trụ sở tạm thời của dự án "Jeju Blue Cup" tại đảo Jeju. Mỗi năm 1.856 quán cà phê đã và đang “đóng góp” cho Jeju khoảng 63 triệu chiếc cốc dùng một lần, đứng đầu cả nước với 25,4 bậc trên 10.000 dân 

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, đây chính là lý do nhóm khởi nghiệp mang tên “Jeju Blue Cup” (cốc đựng đồ uống bằng inox sơn màu xanh) được Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc chọn là dự án hỗ trợ doanh nhân xã hội vào năm 2021, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch mượn cốc đa dụng khi đến thăm, hòn đảo Jeju xinh đẹp. Dự án đặc biệt "có một không hai" ở Jeju được khởi nguồn từ việc hòn đảo này đón trung bình hơn 15 triệu khách du lịch mỗi năm và theo đó 1.856 quán cà phê ở đây đã và đang “đóng góp” cho Jeju khoảng 63 triệu chiếc cốc đựng đồ uống dùng một lần, đứng đầu cả nước với 25,4 bậc trên 10.000 dân (mức trung bình của cả nước là 14,7 bậc).

Chú thích ảnh
Khách du lịch say sưa với những sản phẩm được làm từ đồ tái chế tại một cửa hàng trên đảo Jeju. 

Với loại hình dịch vụ thân thiện với môi trường này, du khách khi đến đảo Jeju dễ dàng tìm và thuê “Blue Cup” tại các quán cà phê tham gia và cửa hàng thân thiện với môi trường trên khắp đảo. Chỉ bằng động tác sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR, du khách có thể thuê và trả “Blue Cup” ở các địa điểm khác nhau trên đảo Jeju. Hơn nữa, du khách sử dụng “Blue Cup” khi mua đồ uống tại tất cả các cửa hàng tham gia dự án này còn được hưởng chiết khấu rất thỏa đáng.

Chú thích ảnh
Bà Han Jeong-hee, Giám đốc điều hành “Jeju Blue Cup” giới thiệu về sản phẩm cốc tái sử dụng Ảnh: Anh Nguyên-PV TTXVN tại Hàn Quốc

Thời gian gần đây, khi phong trào không sử dụng cốc dùng một lần đã xuất hiện tại nhiều sự kiện khác nhau, ngày càng có nhiều quán cà phê tham gia “Jeju Blue Cup”. Theo bà Han Jeong-hee, Giám đốc điều hành dự án “Jeju Blue Cup”, do việc tái chế cần rất nhiều năng lượng và quy trình nên việc tái sử dụng Blue sẽ dần trở nên phổ biến hơn. Bà nói thêm: “Đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị buộc phải sử dụng “túi sinh thái” thay cho túi ni lông song trên thực tế, nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát”.

Chú thích ảnh
Gian hàng tại đảo Jeju giới thiệu các sản phẩm được làm từ đồ tái chế thân thiện với môi trường. 

Sau khi thử nghiệm loại hình dịch vụ mới mẻ này từ năm 2021 tại Sân bay Quốc tế Jeju, từ số lượng 30 ban đầu tính đến hết tháng 4/2022 đã có hơn 900 quán cà phê tham gia dự án “Jeju Blue Cup”, góp phần giảm hơn 2.500 cốc dùng một lần trong năm 2021. Đây thực sự còn là một sự trợ giúp tuyệt vời cho việc bảo vệ môi trường khi có tới 98% người được hỏi khẳng định sẽ sử dụng lại “Blue Cup”. Đặc biệt, trước câu hỏi về lý do tái sử dụng “Blue Cup”, nhiều đã người trả lời “vì có thể tham gia bảo vệ môi trường Jeju”.

Tin, ảnh: Anh Nguyên (TTXVN)
Từ trường hợp của Jeju, nghĩ về tương lai của du lịch Phú Quốc
Từ trường hợp của Jeju, nghĩ về tương lai của du lịch Phú Quốc

Từ một hòn đảo vốn chỉ nổi tiếng với ba thứ: gió, đá núi lửa và những ngôi làng toàn phụ nữ, Jeju đã trở thành điểm đến của thế giới. Những cách làm du lịch vô cùng hấp dẫn của hòn đảo đón tới hơn 15 triệu du khách mỗi năm này liệu có đem đến cho Phú Quốc những bài học dễ dàng áp dụng thực tiễn?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN