Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giai đoạn từ ngày 28/9-11/10 là giai đoạn đặc biệt tăng cường các biện pháp khống chế dịch bệnh, do có nhiều người sẽ đi lại trong dịp lễ Trung thu (kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10). Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có 3 ngày nghỉ lễ Hangeul (từ ngày 9-10/11, kỷ niệm ra đời bảng chữ cái quốc ngữ Hangeul). Giới chức y tế kêu gọi người dân ở nhà trong các kỳ nghỉ lễ này.
Để kiểm soát dịch tốt hơn, chính quyền đã công bố các quy định giãn cách cấp độ 2. Cụ thể, cấm các hoạt động tụ tập trong nhà có từ 50 người trở lên tham gia và sự kiện tụ tập ngoài trời có từ 100 người trở lên tham gia. Các sự kiện thể thao được phép diễn ra mà không có khán giả. Các trường luyện thi, nhà tắm công cộng được phép mở nhưng phải tuân thủ tốt các quy định phòng dịch.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 28/9 nước này ghi nhận thêm 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.661 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất ở Hàn Quốc kể từ ngày 11/8 vừa qua. Số ca tử vong tăng thêm 5 ca lên 406 ca. Tỷ lệ tử vong là 1,72%.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc kêu gọi các nhà nhập khẩu tránh nhập thực phẩm đông lạnh từ những quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, sau khi phát hiện một số hải sản nhập khẩu dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.
Trong thông báo gửi tới các công ty nhập khẩu, Sở Thương mại Bắc Kinh cho biết các cơ quan hải quan và chính quyền địa phương đã liên tiếp phát hiện virus SARS-CoV-2 trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, do đó, cơ quan này hối thúc các công ty nhập khẩu theo dõi chặt chẽ tình tình dịch bệnh tại nước ngoài, chủ động tránh nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, lên kế hoạch nhập khẩu thay thế. Sở Thương mại Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty tăng cường cơ chế cảnh báo và báo cáo, nhanh chóng thông báo cho nhà chức trách nếu phát hiện sản phẩm dương tính với virus.
Trong hơn một tháng qua, Trung Quốc không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong nước. Tuy nhiên gần đây, nhà chức trách đã phát hiện virus trên bao bì hải sản nhập khẩu tại tỉnh Cát Lâm (Jilin) và thành phố Thanh Đảo (Qingdao). Trong tháng 9 này, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của một số nhà sản xuất hải sản tại Brazil, Indonesia và Nga trong một tuần hoặc lâu hơn.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã quyết định chưa xem xét đề xuất của Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Pipat Ratchakitprakarn về giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh xuống còn 7 ngày.
Thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh vào Thái Lan hiện nay là 14 ngày. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul cho biết đề xuất trên chưa được cân nhắc vào thời điểm này và các biện pháp nới lỏng hạn chế sẽ chỉ được áp dụng khi nào tình hình cải thiện. Theo kế hoạch, chương trình thị thực du lịch đặc biệt (STV) nhằm thu hút du khách lưu trú dài ngày để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì trong ngày 28/9.
Theo truyền thông Thái Lan, Tiến sĩ Thira Woratanarat thuộc Khoa Y của Đại học Chulalongkorn nhấn mạnh hiện nay trên thế giới trung bình mỗi ngày có thêm 350.000 ca mắc mới COVID-19 và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ông Thira khuyến cáo nếu Thái Lan quyết định thông qua đề xuất giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày thì sẽ rất nguy hiểm.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan đang hy vọng du khách quay trở lại, song nhà chức trách tỉnh Kanchanaburi vẫn lo ngại nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tỉnh biên giới này từ Myanmar. Tỉnh này đã đóng cửa khẩu biên giới Three Pagodas với Myanmar cho tới ngày 5/10.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan cũng đang kêu gọi các nhà thuốc trên toàn quốc, đặc biệt là ở các tỉnh có biên giới với Myanmar, theo dõi chặt và báo ngay cho các quan chức y tế địa phương những lao động di cư mua lượng lớn thuốc giảm đau và hạ sốt.
Tính đến ngày 27/9 Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.523 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 ca tử vong.