Quyết định này được đưa ra sau khi một công ty Hàn Quốc cáo buộc rằng hàng nhập khẩu giá rẻ từ hai quốc gia này đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa.
Vào ngày 19/12, Ủy ban thương mại Hàn Quốc tuyên bố sẽ đề nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 4,45% đến 18,52%.
Đây là kết quả từ cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 8, sau đơn khiếu nại của Kolon Industries Inc., một công ty công nghiệp hàng đầu tại Hàn Quốc.
Theo Kolon Industries, từ năm 2020 đến 2023, nhựa hydrocarbon giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành.
Công ty còn cáo buộc rằng biên độ bán phá giá của các công ty Trung Quốc là 15,52%, trong khi của các công ty Đài Loan lên đến 18,52%.
Nhựa hydrocarbon, còn gọi là nhựa dầu mỏ, được sản xuất từ các sản phẩm phụ trong quá trình chế biến dầu mỏ. Đây là nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, được sử dụng để sản xuất sơn, chất kết dính và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Hiện tại, Hàn Quốc áp mức thuế cơ bản 8% đối với nhựa hydrocarbon nhập khẩu. Tuy nhiên, theo hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, các sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Hàn Quốc miễn thuế, tạo nên áp lực cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp nội địa.
Ủy ban Thương mại Hàn Quốc nhấn mạnh: “Xét đến sự sụt giảm biên lợi nhuận của ngành công nghiệp trong nước, không thể phủ nhận mức độ thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu giá rẻ”.
Song song với vụ việc trên, Hàn Quốc cũng quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với natri dithionite từ Trung Quốc và ván dăm từ Thái Lan.
Natri dithionite được sử dụng trong sản xuất hóa chất và dược phẩm, trong khi ván dăm là vật liệu phổ biến để sản xuất đồ gỗ và nội thất.
Ông Yang Byung-nae, ủy viên thường trực của Ủy ban Thương mại Hàn Quốc, khẳng định rằng tình trạng cung vượt cầu toàn cầu đang gây ra mối đe dọa lớn cho các ngành công nghiệp trong nước.
Ông tuyên bố: “Ủy ban sẽ chủ động yêu cầu áp thuế chống bán phá giá và đẩy nhanh tiến trình điều tra nhằm thiết lập một hệ thống thương mại công bằng”.
Động thái áp thuế chống bán phá giá này thể hiện nỗ lực của Hàn Quốc trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, đồng thời duy trì môi trường thương mại bình đẳng và bền vững.