Ông Haniyeh cũng nhấn mạnh rằng Hamas đã thể hiện sự linh hoạt tối đa và chấp nhận tất cả các đề xuất được đưa ra về điều kiện ngừng bắn, chấm dứt thù địch và việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đảm bảo lệnh ngừng bắn, cung cấp viện trợ và nhu yếu phẩm cho người dân tại đây.
Liên quan tới các thỏa thuận tương lai về Gaza, ông Haniyeh nêu rõ tất cả các ý tưởng về hậu xung đột và thỏa thuận nội bộ về Dải Gaza phải “hoàn toàn là của người Palestine" và "không bên nào có quyền can thiệp, kể cả lực lượng chiếm đóng hay bất kỳ thế lực nào khác”.
Tuyên bố trên của ông Haniyeh được đưa ra sau khi máy bay Israel tấn công tên lửa vào ngôi nhà của gia đình ông trong trại tị nạn Al-Shati (phía Bắc Dải Gaza), phá hủy hoàn toàn căn nhà này. Theo các nguồn tin y tế, vụ không kích đã khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có em gái của ông Haniyeh. Hiện một số thành viên trong gia đình vẫn đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Trong khi đó, Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết ít nhất 37.658 người ở vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong khi hàng chục nghìn người khác bị thương trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng giữa Hamas và Israel. Thống kê bên phía Israel cho thấy đã có 1.200 người thiệt mạng tại nước này và hơn 200 người bị bắt làm con tin kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 10/2023.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini nhận định tình trạng hỗn loạn tại Dải Gaza đang diễn biến nghiêm trọng hơn khi các băng nhóm buôn lậu hình thành và gây thêm khó khăn trong hoạt động cung cấp viện trợ.
Phát biểu với báo giới, ông Lazzarini nhấn mạnh: “Về cơ bản, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng đổ vỡ gần hoàn toàn về luật pháp và trật tự”. Theo ông, một phần của tình cảnh trên là do sự gia tăng các băng nhóm liên quan đến buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh đó, Giám đốc UNRWA cũng cho biết cơ quan này chỉ có thể đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động đến cuối tháng 8 tới.
UNRWA chịu trách nhiệm điều phối gần như mọi hoạt động nhân đạo tại Gaza. Cơ quan này từng phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng ngân sách từ tháng 1 vừa qua do nhiều quốc gia tạm ngừng tài trợ, xuất phát từ cáo buộc của Israel cho rằng một số nhân viên UNRWA hoạt động tại Gaza dính líu đến cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas. Theo ông Lazzarini, khoảng 190 địa điểm (50% cơ sở hạ tầng) của UNRWA đã bị tấn công, hư hại kể khi xảy ra xung đột tại Dải Gaza.
Cuộc xung đột ở Gaza cũng đang gây ra những thiệt hại khủng khiếp về người, khi mỗi ngày lại có thêm khoảng 10 trẻ em bị mất một hoặc cả hai chân. Các số liệu báo cáo cho thấy giao tranh căng thẳng kéo dài gần 9 tháng qua tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của 14.000 trẻ em. Danh sách những người mất tích do xung đột tại Gaza có khoảng 4.000 em nhỏ, trong khi khoảng 17.000 trẻ mất người thân trong gia đình. Tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đang ảnh hưởng đến hơn 90% dân số ở Gaza.
Ông Lazzarini nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình đối với các cuộc tấn công vào các cơ sở của Liên hợp quốc và nhân viên nhân đạo, đồng thời cáo buộc rằng những hành động này vi phạm luật nhân đạo quốc tế.