Theo truyền thông Anh, các nhà lập pháp nước này đã thông qua Dự luật WAB sửa đổi do Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đệ trình nói trên với số phiếu 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống.
Động thái này là bước đi quan trọng đầu tiên, mở đường cho Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) đúng kế hoạch vào ngày 31/1.
Bất chấp sự phản đối dữ dội của Công đảng đối lập nhằm vào thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Johnson đã giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp và đây được đánh giá là thắng lợi chính trị quan trọng nhất của ông, 1 tuần sau cuộc bầu cử tại nước này.
Sau khi Dự luật WAB được thông qua, giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit sẽ không được phép kéo dài tới sau tháng 12/2020. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với phiên bản dự luật WAB trước, vốn qui định giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể kéo dài tới 2 năm.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson phản đối một giai đoạn chuyển tiếp dài 2 năm, và chiến thắng vang dội tại cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng đã mang lại cho đảng Bảo thủ một đa số áp đảo tại Hạ viện (giữ 364 trên tổng số 650 ghế), qua đó giúp nhà lãnh đạo Anh "rộng đường" xúc tiến Brexit.
Nghị viện Anh giờ sẽ bước vào giai đoạn nghỉ Giáng Sinh và Năm mới. Các nghị sĩ sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 7/1/2020 và thảo luận về Dự luật WAB thêm 1 tuần nữa, trước khi chuyển sang Thượng viện phê chuẩn.
Nếu mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, Nghị viên châu Âu (EC) sẽ thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 29/1/2020 và Brexit chính thức diễn ra 2 ngày sau. Bước tiếp sau đó là London và EU sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại.
Sau khi rời EU, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn 11 tháng chuyển tiếp để London và EU thảo luận qui chế quan hệ trong tương lai. Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, Anh sẽ rút khỏi các thể chế chính trị, cũng như không còn đại diện trong Nghị viên châu Âu và Hội đồng EU. Bên cạnh đó, công dân EU sẽ tiếp tục có thể tới Anh và làm việc, điều ngược lại cũng được áp dụng với công dân Anh.
Trước đó, phát biểu sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/12 đã công bố chương trình nghị sự của chính phủ mới, trong đó khẳng định quyết tâm nhanh chóng đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đạt được các thỏa thuận thương mại trong tương lai và "thay đổi" nước Anh để đáp lại niềm tin của cử tri dành cho ông trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong chương trình nghị sự, Thủ tướng Johnson coi việc hoàn tất Brexit là ưu tiên hàng đầu, khẳng định quyết tâm sẽ đưa Anh rời EU trước ngày 31/1/2020 như đã định. Ông Johnson nhấn mạnh sẽ không "do dự và trì hoãn" Brexit thêm một lần nào nữa, theo đó bác bỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit đến sau năm 2020 để đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU. Ông đồng thời cho biết sẽ cùng lúc tiến hành đàm phán thương mại với các nước khác.
Theo Thủ tướng Johnson, 100 ngày đầu tiên sẽ là thời gian "bận rộn quay cuồng" nhưng những vấn đề cần giải quyết không phải là những thách thức mới mẻ.