Một bức ảnh được chụp vào ngày 12/3/2017 tại Istanbul cho thấy, lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ tung bay tại Lãnh sự quán Hà Lan sau khi Hà Lan cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh. Ảnh: AFP |
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlsra cho biết hai nước vẫn chưa thể nhất trí về cách thức bình thường hóa quan hệ bất chấp các cuộc thương lượng mới đây. Do vậy, Chính phủ Hà Lan quyết định chính thức rút đại sứ nước này tại Ankara, người đã không được phép vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 3/2017. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hà Lan, chừng nào nước này không có đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ thì cũng sẽ không chấp nhận một tân đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ nhận nhiệm vụ tại Hà Lan.
Căng thẳng đã bùng phát trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan khi ngày 11/3/2017, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tiếp đó, ngày 12/3/2017, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.
Động thái của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 11/3/2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì "lý do an ninh". Tổng thống Erdogan cũng đã tuyên bố Ankara sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.