Theo Yonhap, hồi năm 2021, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc đã đưa ra mức phạt 224,93 tỷ won (167,97 triệu USD) đối với Google LLC, Google chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương và Google chi nhánh Hàn Quốc, với cáo buộc công ty này ép buộc công ty Samsung Electronics và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác phải cài đặt các phiên bản hệ điều hành Android riêng trên thiết bị của họ. Các cơ quan điều tra cho rằng Google, công ty vốn thống trị thị trường hệ điều hành di động, đã buộc các nhà sản xuất phải ký thỏa thuận chống phân mảnh (AFA) để đổi lấy việc sử dụng hệ điều hành Android. Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc cho rằng việc ký thỏa thuận AFA đã cản trở sự cạnh tranh công bằng. Sau đó, Google đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu hủy bỏ mức phạt trên và lệnh hiệu chỉnh hành vi ép buộc này.
Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Seoul đã ra phán quyết, theo đó giữ nguyên quyết định của cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc. Phán quyết của Tòa án cấp cao Seoul nhấn mạnh Google đã lạm dụng sự thống trị của hãng trên thị trường, cho rằng công ty này cố tình hạn chế sự cạnh tranh bằng cách loại trừ các công ty đối thủ. Tòa án nhấn mạnh các hãng Samsung Electronics, LG Electronics và các công ty khác gặp khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm của họ và phát triển các sản phẩm độc đáo. Bên cạnh đó, những công ty này cũng phản ánh rằng sự đổi mới và cải tiến sản phẩm đang bị cản trở do yêu cầu của Google.
Google đang phải đối mặt với nhiều hành động pháp lý của nhiều nước liên quan đến cáo buộc chống độc quyền. Mới đây, Google đã thất bại trong nỗ lực lật ngược khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi năm 2017. Khi đó, EC cho rằng Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, bằng cách làm cho dịch vụ Google Mua sắm (Google Shopping) xuất hiện phổ biến trong các kết quả tìm kiếm. Tòa sơ thẩm châu Âu mở phiên xét xử đầu tiên về vụ việc này vào năm 2021, trong đó Google thua kiện.