Gọi tên hòa bình – Bài 2: Di sản ký ức

Khi những nạn nhân sống sót sau thảm họa bom nguyên tử cách đây 80 năm đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, mối lo lớn nhất là nếu không lưu giữ kịp thời ký ức của họ, thế hệ mai sau sẽ chỉ còn lại những con số vô cảm của một thảm họa nhân loại.

Trước thực tế ấy, Hiroshima và Nagasaki đang gấp rút đào tạo một thế hệ trẻ kế thừa ký ức lịch sử  - họ là những tình nguyện viên trẻ hơn để lưu giữ lại ký ức của những người sống sót sau thảm họa bom nguyên tử. Cùng với những người lưu giữ ký ức, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng như một cách thức sinh động hơn để lưu giữ và lan tỏa những hồi ức sống động của hibakusha đến tương lai.

Nagasaki - Tuyển tập hồi ký về thảm họa

Chú thích ảnh
Những quyển “sổ đen” là hồi ký của các hibakusha do các nhà văn chuyên nghiệp chấp bút. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong suốt 8 thập niên qua, ký ức của những hibakusha vẫn được giữ gìn, không chỉ bằng lời kể trực tiếp mà còn qua những dự án lưu trữ đặc biệt. Đài Tưởng niệm Hòa bình quốc gia Nagasaki dành cho nạn nhân bom nguyên tử được thành lập nhằm mục đích lưu giữ những ký ức quý giá của quốc gia về sự hy sinh của các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử. Nơi đây bảo tồn hàng chục nghìn câu chuyện được thu thập từ các hibakusha trên toàn Nhật Bản. Nhiều câu chuyện bắt đầu được ghi lại từ cuộc khảo sát quy mô lớn năm 1995 – dịp tưởng niệm 50 năm vụ ném bom.

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm Hòa bình Quốc gia Nagasaki lưu giữ những “sổ đen” chứa đựng hàng chục nghìn câu chuyện được thu thập từ các hibakusha trên khắp Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Không ít người sống sót vì tuổi cao, bệnh nặng hay sang chấn tinh thần nên không thể tự viết ra ký ức. Khi đó, các nhà văn chuyên nghiệp trở thành cầu nối. Một trong số đó là ông Ogawauchi Kyotaka, người đã dành 11 năm lắng nghe, ghi chép và viết lại ký ức của khoảng 150 hibakusha. “Tôi cố gắng ghi lại từng chi tiết: địa điểm, thời gian, bối cảnh của Nhật Bản và thế giới khi đó… để câu chuyện không chỉ là ký ức cá nhân mà còn là một phần lịch sử được chứng thực,” ông chia sẻ.

Hiroshima: Những người kế thừa ký ức

Chú thích ảnh
Hai người ngồi hàng trên là cụ Fumiyaki Kajiya, một hibakusha tại Hiroshoma, và anh Haruki Okimoto, một denshosha, đã đồng hành để cùng lưu giữ lại những ký ức về thảm kịch bom nguyên tử. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Ký ức của cụ Fumiyaki Kajiya về ngày hè nóng nực tháng 8 năm 1945 vẫn còn rõ ràng. Khi đó, cụ là học sinh lớp 1, đang lau sàn hành lang ở trường tiểu học cách tâm nổ khoảng 2 km. Lúc 8h15, một ánh sáng trắng lóa bừng lên, rồi tiếng nổ lớn khiến cậu bé Kajiya bị vùi trong đống đổ nát. Khi bò ra được, trước mắt cậu là hàng dài những người bị bỏng nặng, máu me đầm đìa, thi thể trôi nổi trên sông – hình ảnh không bao giờ phai mờ.

Giờ đây, cụ Kajiya đồng hành cùng anh Haruki Okimoto – một trong những denshosha, tức người kế thừa ký ức hibakusha. Tại Hiroshima, những denshosha được đào tạo bài bản trong hai năm, học lịch sử, lắng nghe nhân chứng, rèn kỹ năng kể chuyện – để kể lại một cách trung thực, không cường điệu, không sai lệch. Việc trở thành một “người lưu giữ ký ức” không dễ dàng, ứng viên phải trải qua hai năm đào tạo khắt khe, từ học lịch sử, lắng nghe nhân chứng, đến xây dựng bài thuyết trình và rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Anh Okimoto – sống ở tỉnh Tochigi, cách Hiroshima gần 1.000 km – đã tự bỏ tiền túi để di chuyển suốt hai năm theo học. “Có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì lịch học quá nặng và chi phí cao. Nhưng mỗi lần nhớ tới những nhân chứng như cụ Kajiya, tôi lại tự nhủ: không được dừng lại,” anh nói. Giờ đây, Okimoto đã trở thành cầu nối giữa những ký ức đau thương và thế hệ sau.

Khi AI trở thành người kể chuyện

Chú thích ảnh
Cụ Yoshiko Kajimoto, một hibakusha của Hiroshima, cùng với phiên bản AI của mình, trong buổi trình diễn hệ thống AI đối thoại dựa trên ký ức thật. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Một bước tiến đặc biệt trong hành trình gìn giữ ký ức hibakusha là dự án ứng dụng AI đối thoại dựa trên ký ức thật. Một trong những người đầu tiên tham gia là cụ Yoshiko Kajimoto, hibakusha của Hiroshima.

Đội ngũ dự án đã chuẩn bị 900 câu hỏi, dựa trên những điều học sinh và thế hệ trẻ sẽ muốn biết: cảm giác sống sót, mất mát, suy nghĩ về chiến tranh – hòa bình. Cụ Kajimoto trả lời từng câu một, được quay lại đầy đủ bằng video.

Theo ông Kamikojou Takayuki (Văn phòng NHK tại Hiroshima), AI không sáng tạo câu trả lời, mà hoạt động như một bộ lọc thông minh: khi người dùng đặt câu hỏi, hệ thống sẽ phân tích và chọn đoạn trả lời phù hợp nhất trong 900 câu trả lời có sẵn của cụ Kajimoto. Nhờ đó, dù sau này các nhân chứng không còn, người trẻ vẫn có thể “gặp gỡ” họ – không qua sách vở khô cứng mà qua hình ảnh, giọng nói, ánh mắt thật. AI trở thành cầu nối cảm xúc, không chỉ lưu giữ ký ức mà giúp ký ức sống tiếp.

Thời gian là kẻ thù của ký ức. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến 31/3/2025, chỉ còn 99.130 người được công nhận là hibakusha – trong khi con số này từng đạt đỉnh hơn 372.000 người năm 1981. Độ tuổi trung bình của họ hiện là 86,13.

Ký ức hibakusha không chỉ là tài sản lịch sử. Đó là lời cảnh tỉnh, là khát vọng hòa bình được chắt lọc qua cả cuộc đời chịu đựng và hy sinh. Những lời kể cuối cùng ấy cần được lắng nghe, gìn giữ – không phải vì quá khứ, mà vì tương lai. “Tôi chỉ mong thế hệ sau không bao giờ phải trải qua những gì chúng tôi đã trải qua.”

Lời nhắn ấy không chỉ là hồi ức, mà là di sản sống – đang được những người thầm lặng gìn giữ từng ngày, từng giờ, trước khi thời gian cuốn trôi tất cả. Nhờ những nỗ lực ấy, ký ức về Nagasaki và Hiroshima sẽ không chìm vào quên lãng, mà trở thành lời nhắc nhở mạnh mẽ về cái giá của chiến tranh đối với nhân loại.

Bài cuối: Thông điệp của hibakusha

Nguyễn Tuyến - Xuân Giao (PV TTXVN tại Nhật Bản)
Gọi tên hòa bình – Bài cuối: Thông điệp của hibakusha
Gọi tên hòa bình – Bài cuối: Thông điệp của hibakusha

Thảm họa của hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki cướp đi hơn 210.000 sinh mạng trong khoảnh khắc, để lại những vết thương không thể xóa nhòa qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, từ trong đổ nát và đau thương, Hiroshima và Nagasaki đã vươn mình mạnh mẽ, không chỉ để hồi sinh mà còn trở thành biểu tượng toàn cầu của hòa bình, sự tha thứ và khát vọng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân – vì một thế giới không còn chiến tranh nguyên tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN