Giới phân tích lạc quan thận trọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai

Giới phân tích đã bày tỏ lạc quan một cách thận trọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức có được sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, sự kiện mà giới phân tích cho là nhằm đảm bảo mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này được thắt chặt trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Ông Kim Jong-Un và Tổng thống Trump dường như đang chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai trong nỗ lực nhằm khơi thông bế tắc về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ và những hỗ trợ khác. Ông Trump công khai nói rằng địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh này có thể sẽ được công bố "trong tương lai không xa".

Phát biểu với hãng Yonhap, ông Kim Heung-kyu - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Ajou, cho rằng chuyến công du tới Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là một nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm trấn an Bắc Kinh rằng Triều Tiên phối hợp với đồng minh này trước một thỏa thuận lớn có thể đạt với Mỹ, và một nỗ lực để đảm bảo có được sự ủng hộ của Trung Quốc trong trường hợp cuộc đàm phán với Mỹ không đạt kết quả. Tóm lại, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh lần này có thể được hiểu như là ý chí của ông muốn tiến tới một bước lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có nhiều lý do để thúc đẩy một thỏa thuận lớn với Mỹ trong năm nay. Đứng đầu trong số đó là cam kết phát triển kinh tế Triều Tiên, vì điều này mà Bình Nhưỡng cần Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Các nhà quan sát cũng cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã nỗ lực thuyết phục ông Kim Jong-un thực hiện thêm các bước đi cụ thể hơn nữa trong việc phi hạt nhân hóa của nước này, vì việc thiếu những bước như vậy, có thể làm dấy lên những chỉ trích rằng Bắc Kinh đã không thể hiện được "vai trò xây dựng" như nước này cam kết trong nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên.

Ông Park Won-gon, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, lập luận: "Có thể có một gánh nặng đáng kể đối với phía Trung Quốc nếu Bình Nhưỡng không thực hiện được bất kỳ bước tiến quan trọng nào hướng tới phi hạt nhân hóa".

Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bắc Kinh vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ủng hộ "sự tiếp tục tuân thủ hướng phi hạt nhân hóa" của Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ Triều Tiên và Mỹ "tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đạt được kết quả".

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa và cho biết sẽ nỗ lực để đạt kết quả từ hội nghị thượng đỉnh có khả năng sắp diễn ra với ông Trump, vốn sẽ được "cả cộng đồng quốc tế hoan nghênh".

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Mỹ - Triều thảo luận không chính thức về tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai
Mỹ - Triều thảo luận không chính thức về tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je ngày 8/1 cho biết Mỹ và Triều Tiên tiếp tục có các cuộc thảo luận qua các kênh không chính thức về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN