Eric Schmidt đang có tất cả những gì được xem là tiêu biểu nhất của người thuộc nhóm siêu giàu ở Mỹ: du thuyền, phi cơ Gulfstream và căn hộ áp mái ở trung tâm Manhattan. Nhưng Schmidt hiện còn có một tài sản mới nhất, mang tính phi truyền thống: cuốn hộ chiếu thứ hai.
Cựu Giám đốc điều hành tập đoàn Alphabet đã đệ đơn xin quốc tịch Cyprus - thông tin do truyền thông tại đảo quốc này công bố hồi tháng trước.
Schmidt, 65 tuổi, là thành viên trong một câu lạc bộ đang ngày một mở rộng về quy mô, muốn khám phá các chương trình của chính phủ Cyprus về cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch, có hộ chiếu.
Những năm trước đây, có rất ít công dân Mỹ quan tâm đến chương trình “hộ chiếu vàng” này. Ngành kinh doanh hộ chiếu thứ hai như tại Cyprus chủ yếu nhắm đến các nước có quy định chặt chẽ về đi lại như Trung Quốc, Nigeria, Pakistan… Nhưng mọi thứ đã thay đổi, những người am hiểu và tham gia điều hành lĩnh vực này cho biết họ giờ đã nhận được nhiều đề nghị hơn từ các công dân Mỹ.
“Chúng tôi chưa từng thấy hiện tượng như vậy. Có vẻ như đập vừa được xả nước và chúng tôi chưa nhận ra điều đó. Xu hướng này phát sinh từ cuối năm ngoái và giờ đang tiếp tục mạnh lên”, Paddy Blewer, giám đốc điều hành hãng tư vấn luật Henley & Cộng sự, đề cập đến số khách hàng mới là các công dân Mỹ.
Phát ngôn viên chính phủ Cyrprus từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề mà Bloomberg nêu. Trong khi đại diện của ông Schmidt – người có tổng tài sản lên đến 19 tỉ USD, không phản hồi trước đề nghị cho biết phản ứng đối với nội dung thông tin này.
Lợi ích của việc sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai khá đa dạng, từ việc được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn, đến tự do hơn trong hoạt động đầu tư hay đi lại. Nhưng để có được điều này, mỗi cá nhân phải bỏ ra số tiền tối thiểu là 100.000 USD. Chương trình cấp quy chế công dân thông qua đầu tư lâu nay không phổ biến ở Mỹ, bởi những lợi ích mà nó đem lại không nhiều: Mỹ là một trong số ít các nước đánh thuế thu nhập cá nhân bất kể người này sống tại quốc gia nào.
Mức độ quan tâm của công dân Mỹ đối với “hộ chiếu vàng” xuất hiện trước khi COVID-19 bùng phát. Nhưng khủng hoảng dịch bệnh khiến nhu cầu tăng vọt, do nhiều người có ý định muốn được tự do đi lại khi mà các biện pháp đóng cửa để phòng ngừa lây lan COVID-19 có thể được áp dụng trở lại trong làn sóng thứ hai. “Người Mỹ đang suy tính: Tôi muốn có khả năng di chuyển nhanh nhất và không bị cản trở” - Nestor Alfred, Chủ tịch điều hành Chương trình cấp thị thực qua đầu tư của đảo quốc đảo quốc St. Luicia (CIPA), nhận định.
Bầu cử tại Mỹ cũng là một nhân tố quan trọng. Dù phủ nhận áp dụng mức thuế cao mà các ứng cử viên tranh cử đảng Dân chủ đề ra, nhưng đề xuất của ông Joe Biden có thể làm đứt gãy tiến trình mà dân Mỹ đều muốn tránh: đánh thuế vào các khoản lợi tức từ hoạt động đầu tư. Cá biệt, một bộ phận dân chúng Mỹ muốn có tấm hộ chiếu thứ hai để phòng ngừa cho tình huống bất ổn có thể xảy ra tại Mỹ hậu bầu cử.
St. Kitts và Nevis là hai quốc gia đầu tiên khởi xướng chương trình cấp thị thực qua hoạt động đầu tư từ những năm 1980. Đến nay, hàng chục nước mở dịch vụ này. Trong một số trường hợp, đây là ngành kinh doanh giàu lợi nhuận. Tính đến tháng 6/2019, Malta đã thu được gần 1 tỉ USD từ việc cấp thị thực qua đầu tư sau hơn 10 năm triển khai thực hiện. Dominica cũng nhận được khoản tiền 350 triệu USD sau 5 năm qua.
Thế nhưng lĩnh vực này cũng gây ra nhiều tai tiếng. Năm ngoái, Jho Low, đã bị tước quốc tịch Cyprus, vì là đối tượng trốn truy nã của Malaysia. Chủ tịch Quốc hội Cyprus Demetris Syllouris đã phải từ chức hồi tháng trước sau khi ra tay giúp đỡ một doanh nhân Trung Quốc phạm tội có được quốc tịch Cyprus. Sau những vụ việc này, Cyprus buộc phải tuyên bố dừng chương trình cấp thị thực qua đầu tư từ ngày 1/11/2020.