Các vụ xung đột giữa hai quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây này đã khiến hơn 10 binh lính thiệt mạng.
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của bộ trên cho biết trong cuộc thảo luận "Bộ trưởng Shoigu còn thông báo cho người đồng cấp về việc bắt đầu kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội theo mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga".
Cuộc trao đổi giữa lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Nga cùng nhiều quan chức cấp cao khác, trong đó nội dung chính là tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, tại cuộc họp, Tổng thống Putin và các quan chức đã trao đổi quan điểm và bày tỏ quan ngại về tình hình đụng độ leo thang ở biên giới Armenia- Azerbaijan. Moskva cho rằng các bên xung đột cần đảm bảo thực thi lệnh ngừng bắn, đồng thời khẳng định sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải.
Giao tranh biên giới giữa Azerbaijan và Armenia bùng phát lại trở lại ngày 16/7, sau khi tạm ngưng một ngày trước đó. Trong 3 ngày giao tranh bắt đầu từ ngày 12/7 vừa qua, 11 binh sĩ Azerbaijan và 1 dân thường thiệt mạng, trong khi phía Armenia có 4 binh sĩ thiệt mạng. Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi hai quốc gia vùng Caucasus ngừng bắn ngay lập tức.
Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.