Phe các nghị sĩ Bảo thủ "nổi loạn", nhóm chống đối quyết liệt thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, đã có dấu hiệu sẽ quay sang ủng hộ thỏa thuận vì lo ngại phe Brexit "mềm" đang thắng thế tại hạ viện, điều rất có thể sẽ dẫn tới kịch bản Anh ở lại trong EU, đi ngược lại mục đích của nhóm này là mong muốn Anh rời EU bằng mọi giá.
Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) đã lên tiếng ngụ ý ông sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận của bà May, và thừa nhận rằng nếu như các nghị sĩ Bảo thủ không cùng nhau đứng ra ủng hộ thỏa thuận Brexit thì nước Anh rút cục có thể sẽ ở lại trong EU. Lý do để nhóm nghị sĩ Bảo thủ hoài nghi châu Âu, nhóm đóng góp đáng kể vào việc bác lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May tại 2 lần bỏ phiếu trước đây, phải cân nhắc lựa chọn, là do phe ủng hộ Anh ở lại EU đã thắng thế tại hạ viện, thông qua cuộc bỏ phiếu ủng hộ quốc hội nắm quyền đưa ra chương trình nghị sự làm việc diễn ra tối 25/3, với tỷ lệ 329 phiếu ủng hộ và 302 phiếu chống. Sự lựa chọn của các nghị sĩ Bảo thủ "nổi loạn" lúc này, dường như là hoặc ủng hộ thỏa thuận của bà May hoặc không có Brexit nữa.
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng có những phát biểu "xuống thang" tối 26/3. Dù tuyên bố "vẫn thấy thỏa thuận Brexit của bà May là kinh khủng", song nói thêm ông cần "xem giai đoạn hai của tiến trình đàm phán phải khác so với giai đoạn 1" và nhấn mạnh về "khả năng rủi ro đáng kể" của việc nếu không bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit sẽ dẫn đến không có Brexit nữa. Điều này khác xa so với những phát ngôn cứng rắn của ông trong hai lần bỏ phiếu trước đối với thỏa thuận.
Theo thông lệ, chính phủ sẽ sắp xếp chương trình làm việc hằng ngày tại hạ viện, nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu tối 25/3 cho phép Hạ viện nắm quyền điều hành việc tìm ra lựa chọn khác cho tiến trình Brexit, đã đảo ngược vai trò của chính phủ. Tuy nhiên, theo luật, chính phủ là bên có quyền quyết định sẽ tiến hành Brexit theo cách nào, mọi cuộc bỏ phiếu tương tự như cuộc tối 25/3 , hay bỏ phiếu các lựa chọn thay thế khác đối với Brexit vào tối 27/3, đều không ràng buộc pháp lý, chính phủ không phải thực hiện theo các kết quả bỏ phiếu này. Dù vậy, chính phủ sẽ nhìn vào kết quả bỏ phiếu để thấy các nghị sĩ muốn điều gì nhất.
Những phe nhóm nghị sĩ Bảo thủ chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May cho rằng bà đã quá nhân nhượng EU, gây thiệt hại cho nước Anh, để nước Anh rơi vào thế bị lép vé trong các vòng đàm phán ở giai đoạn hậu Brexit như hiệp định thương mại tự do Anh-EU, hay tuyên bố chính trị Anh-EU... Họ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May với hy vọng bà sẽ tiếp tục đàm phán buộc EU phải sửa đổi một số điểm trong thỏa thuận. Tuy nhiên, đến giờ, với EU không thể mặc cả gì được thêm, trong khi đó phe Brexit "mềm" đang thắng thế tại hạ viện.
Cuộc bỏ phiếu các lựa chọn khác thay thế cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May diễn ra tối 27/3 cũng sẽ tạo ra rủi ro. Với cách bỏ phiếu cho phép các nghị sĩ lựa chọn mọi phương án mình thích, không nhất thiết chỉ chọn duy nhất một phương án, sẽ dẫn tới khả năng số phiếu bị phân tán, có thể không có phương án nào đạt được đại đa số hoặc có vài phương án nhận số phiếu quá bán.
Nếu như điều này xảy ra, Hạ viện Anh vẫn rơi vào tình trạng bế tắc đối với vấn đề Brexit. Và nếu như xảy ra kịch bản lựa chọn theo mô hình Na Uy hay tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác và được chính phủ nhất trí thông qua, thì nước Anh sẽ phải tiếp tục xin gia hạn kéo dài lâu hơn nữa việc thực thi điều khoản 50. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới, bởi khi đó nước Anh sẽ vẫn tham gia Nghị viện châu Âu trong khi đang trên đường tìm cách ra khỏi EU - phương án EU hoàn toàn không muốn. Thủ tướng Theresa May cũng đã từng cảnh báo bỏ phiếu tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác của hạ viện có thể sẽ dẫn đến kết quả là "EU sẽ không đồng ý".
Tuy có tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May có được thông qua tại lần bỏ phiếu thứ ba sắp tới đây không. Với ERG, mặc dù người đứng đầu Jacob Rees-Mogg đã phát đi thông điệp ủng hộ, nhưng trong nhóm vẫn còn những người tiếp tục giữ nguyên ý kiến sẽ bác lại thỏa thuận. Để có thể thông qua được thỏa thuận Brexit, Thủ tướng May cần có được sự ủng hộ của tất cả các nghị sĩ Bảo thủ và của 10 nghị sĩ đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP).
Hiện nay những đồng minh của Thủ tướng May tại hạ viện hy vọng sự thay đổi lập trường của người đứng đầu ERG sẽ kéo theo nhiều nghị sĩ Bảo thủ trước đây phản đối quay sang ủng hộ tại cuộc bỏ phiếu ý nghĩa sắp tới. Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 20 nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận của Thủ tướng May đến cùng. Nhóm nghị sĩ đảng DUP cũng bắt đầu có những rạn nứt, không còn nhất trí với nhau như trước. Lý do phản đối thỏa thuận Brexit của nghị sĩ Bảo thủ và của DUP là khác nhau, do vậy để thuyết phục họ, Thủ tướng May sẽ cần phải đưa ra được những mặc cả khác nhau.
Nhìn lại chuỗi sự kiện diễn ra trên chính trường Anh trong những ngày qua, từ biểu tình phản đối Brexit tới kết quả các cuộc bỏ phiếu không ràng buộc pháp lý tại hạ viện, có thể thấy chính sự mất đoàn kết trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đã khiến tiến trình Brexit lâm vào bế tắc. Thông tin các nghị sĩ Bảo thủ "nổi loạn" muốn Thủ tướng May từ chức để đổi lấy lá phiếu ủng hộ của họ cũng bộc lộ một thực tế, đó là không phải thỏa thuận của bà May "quá tệ" đến mức không thể thông qua được, mà cốt lõi của vấn đề là họ muốn thay thủ tướng.
Những tuyên bố về khả năng "đổi chiều gió" là bởi những nghị sĩ Bảo thủ đang hiểu "già néo đứt dây" sau khi nhìn thấy phe Brexit "mềm" trong hạ viện lớn mạnh, có thể dẫn dắt nước Anh đến nguy cơ sẽ không có Brexit nữa. Tuy nhiên, liệu Thủ tướng May có thu được đủ số phiếu ủng hộ bà trong lần bỏ phiếu thứ ba hay không, còn tùy thuộc vào kết quả cuộc bỏ phiếu cho các lựa chọn khác sẽ diễn ra tối 27/3. Kết quả số phiếu càng phân tán càng dễ cho Thủ tướng May thuyết phục, còn nếu như số phiếu nhất trí quá cao thì trước mặt bà May lại mọc thêm một vách đá cheo leo khó vượt.