Đài Sputnik dẫn các nguồn tin phương Tây và Iran ngày 3/9 đưa tin Pháp đã đưa ra đề nghị mức tín dụng khoảng 15 tỷ USD cho các đơn hàng mua dầu mỏ Iran tới cuối năm 2019 nếu Tehran quay trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa nước này với các cường quốc.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian nêu rõ, ý tưởng "trao đổi hạn mức tín dụng để đổi lại được đảm bảo bằng dầu mỏ là nhằm, thứ nhất, Iran quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và hai là mở ra khả năng đàm phán về an ninh vùng Vịnh cũng như một chương trình hạt nhân sau năm 2025".
Theo ông Massoud Shadjareh, người sáng lập Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo, đề xuất của Pháp được đánh giá là giải pháp thực tiễn đầu tiên giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo với Tổng thống Pháp rằng Tehran sẽ bước vào giai đoạn thứ 3 trong lộ trình giảm mức độ tuân thủ các cam kết trong JCPOA ngay trong tháng 9 nếu châu Âu không thi hành các cam kết đảm bảo cho lợi ích của Iran.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp ngày 31/8, Tổng thống Iran Rouhani nhấn mạnh nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận không thể "hiện thực hóa" các cam kết của mình, Tehran sẽ có bước tiếp theo giảm các cam kết trong JCPOA, tương tự như các biện pháp trước đó. Theo ông Rouhani, kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, các nước châu Âu chưa có biện pháp cụ thể để triển khai các cam kết của mình.
“Thực tế là, nếu chúng ta muốn sự việc tiến triển, chúng ta cần nhìn thấy một vài sự thay đổi trong các cam kết thực tiễn từ các quốc gia châu Âu, Nga và Trung Quốc. Nếu muốn cứu thỏa thuận này, thì cần phải nỗ lực thực hiện theo chiều hướng tích cực thay vì ngồi chờ chết. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự chứng kiến một vài đề xuất thực tiễn. Tôi không biết điều đó có đủ hay không. Iran không muốn nhận từ thiện. Họ chỉ muốn có thể bán dầu và hưởng lợi từ việc đó”, chuyên gia Shadjareh lý giải.
Các nước châu Âu tham gia ký JCPOA đang nỗ lực giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận lịch sử và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Iran. Đáp lại, quốc gia Trung Đông này tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và khối lượng urani làm giàu cấp độ thấp vượt ngưỡng 300 kg.
Trong báo cáo hàng quý công bố hồi cuối tháng 8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết hiện Iran đã tích lũy được 241,6 kg urani làm giàu và tăng mức độ làm giàu lên tới 4,5% tinh khiết. Tuy nhiên, cấp độ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Iran đạt được vào thời điểm trước khi ký thỏa thuận hạt nhân và khoảng 90% lượng urani này được coi là nguyên liệu để sản xuất vũ khí.