Theo Ban Tổ chức, Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao Giải Nobel Văn học năm 2021 cho nhà văn, tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah vì những tác phẩm thể hiện sự thâm nhập quyết liệt và lòng trắc ẩn của ông đối với ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa.
Nhà văn, tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah thành công vang dội với cuốn tiểu thuyết thứ tư 'Paradise' (1994). Đây là bước đột phá trong cuộc đời ông, với với tư cách một nhà văn. Tác phẩm ra đời sau một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đó là câu chuyện sống động về tuổi trẻ và một câu chuyện tình buồn mà trong đó các thế giới và niềm tin khác nhau xảy ra xung đột.
Trong thế giới văn học của Gurnah, mọi thứ đều thay đổi từ ký ức, tên tuổi tới danh tính. Khát vọng khám phá không bao giờ ngừng chảy vì niềm đam mê trí tuệ hiện diện trong tất cả các tác phẩm của ông, trong số đó ngoài Paradise, còn có ‘Afterlives’ (2020).
Nobel Văn học là giải thứ 4 được công bố trong mùa giải Nobel năm 2021. Trước đó, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển ngày 6/10 đã trao Giải Nobel Hóa học năm 2021 cho hai nhà khoa học Benjamin List và David W.C. MacMillan để ghi nhận “công trình nghiên cứu liên quan tới quá trình phát triển một hình thức xúc tác hữu cơ không đối xứng (asymmetric organocatalysis).
Ngày 5/10, Giải Nobel Vật lý 2021 đã được trao cho ba nhà khoa học Mỹ, Đức và Italy nhằm tôn vinh những đóng góp đột phá của họ cho sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp. Mở đầu mùa giải Nobel năm nay, hôm 4/10, Giải Nobel Y học thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian với những khám phá về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác.
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học và Hòa bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel, "cha đẻ" giải Nobel.
Giải Nobel Văn học do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao hàng năm cho các tác giả, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn chương, âm nhạc… Đây là một trong 5 giải Nobel được trao theo di chúc của Alfred Nobel năm 1895. Giải Nobel Văn học được trao lần đầu tiên năm 1901 và tới nay đã có 112 người nhận giải, trong đó có 15 phụ nữ và bốn lần giả được trao cho đồng tác giải (hai người). Rudyard Kipling là người trẻ nhận từng nhận giải, ở tuổi 41. Trong khi đó, người cao tuổi nhất giành Nobel Văn học là Doris Leesing (88 tuổi) hồi năm 2007.
Giải Nobel Văn học năm 2020 thuộc về nhà thơ người Mỹ Louise Gluck để tôn vinh "giọng thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến". Louise Elisabeth Glück, sinh năm 1943 tại New York, là nhà thơ nổ tiếng người Mỹ. Bà đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia và Giải thưởng Bollingen, cùng nhiều giải thưởng khác.
Đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thức tổ chức lễ trao giải Nobel. Thay vì quy tụ tất cả những người đoạt giải tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 12 như thông lệ, các nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Thụy Điển tại các nước sẽ đến trao giải cho những người chiến thắng. Tuần lễ kỷ niệm sẽ kết hợp tổ chức các sự kiện trực tiếp và trực tuyến.
Mùa giải Nobel năm 2021 sẽ tiếp tục với lễ công bố các Giải Nobel Hòa bình ngày 8/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 11/10.