Trong khi hàng ngàn người dân Xyri bất chấp giá rét đổ ra đường như để cho cả thế giới thấy sự ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, chính phủ Xyri đang phải chịu thêm nhiều sức ép từ các nước Arập, phương Tây và lực lượng đối lập trong nước.
Người dân Xyri bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Assad ở thủ đô Đamát ngày 16/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngày 17/11 (giờ VN), tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) ở thủ đô Rabát của Marốc, AL đã đặt ra thời hạn trong 3 ngày để Đamát chấm dứt tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế. Theo lời Thủ tướng Cata, ông Sheikh Hamad bin Jassem al-Thani, "các nước Arập đã sắp hết kiên nhẫn” với Xyri.
Tuyên bố được đưa ra Hội nghị Ngoại trưởng AL đề nghị các bộ trưởng kinh tế AL soạn thảo một kế hoạch áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Xyri để trình lên cuộc họp tới của Hội đồng AL. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục ổn định tại Xyri, đặc biệt cần có các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ dân thường, song khẳng định "phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài".
Cũng theo tuyên bố trên, AL sẽ cử các quan sát viên tới Xyri nếu chính phủ nước này chấp thuận thực hiện kế hoạch hòa bình để chấm dứt rối loạn chính trị. Theo đó, khoảng 500 quan sát viên của AL sẽ có nhiệm vụ theo dõi tình hình và giúp thực thi thỏa thuận hòa bình. Hiện một bản dự thảo thỏa thuận đã được gửi tới chính phủ Xyri.
Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức theo kế hoạch hôm nay (18/11) sẽ trình lên ủy ban nhân quyền của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) dự thảo nghị quyết lên án “hành vi lạm dụng nhân quyền” của chính phủ Xyri nhằm tìm kiếm hành động của Hội đồng Bảo an LHQ đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Xyri. Dự kiến, dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp, Đức sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 22/11.
Ngày 17/11, các đại sứ của Anh, Pháp, Đức tại LHQ đã tiếp xúc với đại sứ các nước Arập tại LHQ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho dự thảo nghị quyết lên án Xyri. Hãng tin Pháp AFP dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết, Gioócđani, Côoét, Libi, Cata, Marốc và Arập Xêút đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp, Đức.
Không chỉ từ bên ngoài, sức ép cũng đang gia tăng với chính phủ của Tổng thống Assasd từ trong nước.
Ngày 17/11, một nhóm nổi dậy đã dùng súng phóng lựu tấn công văn phòng cơ quan chính quyền ở tỉnh Idlib đúng lúc đang diễn ra một cuộc họp của các quan chức ngành an ninh. Vụ tấn công này diễn ra chỉ một ngày sau khi các tay súng của Quân đội Xyri Tự do thuộc lực lượng nổi dậy ở nước này cũng đã thực hiện một cuộc tấn công táo bạo nhằm vào một căn cứ tình báo quân đội ở ngoại ô thủ đô Đamát.
Trước đó, ngày 16/11, nhóm vũ trang Quân đội Xyri Tự do đã tuyên bố thành lập một hội đồng quân sự tạm thời. Quân đội Xyri Tự do khẳng định hội đồng quân sự lâm thời được thành lập nhằm lật đổ chế độ hiện nay, giúp người dân tránh các cuộc đàn áp của chính quyền, bảo vệ tài sản công và tư, ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong nước.
Cùng ngày, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Assad đã tấn công Đại sứ quán Marốc và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ở Đamát. Marốc đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ từ Đamát. Chính phủ UAE thì lên án vụ tấn công và yêu cầu Xyri phải bảo đảm an ninh cho đại sứ cũng như các nhân viên đại sứ quán. Vài ngày trước, các đại sứ quán của Pháp, Cata, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Gioócđani tại Đamát cũng đã bị tấn công. Ngoại trưởng Xyri đã phải lên tiếng xin lỗi về các vụ việc này, đồng thời khẳng định việc bảo vệ các đại sứ quán là trách nhiệm của Xyri.
Những diễn biến ở Xyri đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, những cuộc tấn công của phe đối lập vào các cơ sở của chính phủ “gần giống như một cuộc nội chiến”. Từ Mátxcơva, Ngoại trưởng Lavrov đề nghị cộng đồng quốc tế kêu gọi tất cả các bên ở Xyri dừng ngay những hành vi bạo lực. Nga cũng kịch liệt phản đối việc phương Tây mưu toan quốc tế hóa cuộc khủng hoảng ở Xyri và cho rằng việc này có thể dẫn đến hành động can thiệp quân sự của phương Tây “theo nghị quyết của LHQ” như từng xảy ra với Libi trong thời gian qua.
Trung Quốc cũng hết sức lo ngại về diễn biến cuộc khủng hoảng ở Xyri. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan ở Xyri cũng hợp tác thúc đẩy việc thực thi kế hoạch đã đạt được giữa AL và Xyri để giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này bằng các biện pháp ngoại giao.
Nga và Trung Quốc là hai nước đã bỏ phiếu chống đối với dự thảo nghị quyết lên án chính quyền của Tổng thống Assad được HĐBA đưa ra xem xét hôm 4/10 vừa qua.
Minh Dương (tổng hợp)