Gia nhập IS, phụ nữ ngoại quốc hối hận về cuộc sống địa ngục

Những phụ nữ nói đó là thứ niềm tin tôn giáo lệch lạc, sự nhẹ dạ, cuộc tìm kiếm một thứ để tin tưởng hay chút nổi loạn tuổi trẻ. Bất kể thứ đó là gì, nó đã lôi kéo họ vượt ngàn dặm xa để gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Chú thích ảnh
Phụ nữ xếp hàng nhận cứu trợ trong trại Al-Hol, tỉnh Hassakeh, Syria. Ảnh: AP 

Giờ đây, sau khi thành trì cuối cùng của IS sụp đổ, họ đã bày tỏ sự hối hận và muốn quay về quê hương. 

Phóng viên hãng thông tấn AP của Mỹ đã phỏng vấn bốn phụ nữ ngoại quốc gia nhập IS và hiện nằm trong số hàng chục ngàn thân nhân của IS, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang nương thân tại những trại tập trung thiếu thốn ở miền Bắc Syria do lực lượng người Kurd giám sát. 

Nhiều người trong trại vẫn còn là những kẻ ủng hộ cuồng tín của IS. Phụ nữ nhìn chung thường là những đối tượng tham gia tích cực vào quy tắc của khủng bố IS. Một số người gia nhập vào “Hisba” của phụ nữ, đóng vai trò “cảnh sát tôn giáo” hết sức tàn bạo. Những phụ nữ khác lại giúp lôi kéo thêm các chiến binh ngoại quốc. Phụ nữ Yazidi tự do đã nói về sự tàn ác gây ra bởi các thành viên nữ trong nhóm.

Trong hàng rào sắt của trại Al-Hol, thân nhân của IS đã cố gắng tạo dựng lại “caliphate” (vương quốc Hồi giáo) hết sức có thể. Một nhóm phụ nữ đã lập lại “Hisba” để giữ gìn kỷ luật trong trại. Khi phóng viên AP có mặt tại đây, những người phụ nữ che kín toàn thân trong bộ áo choàng niqad đã ra sức dọa dẫm bất kỳ ai trả lời phóng viên, trẻ em thì ném đá vào khách thăm, gọi họ là “chó” và “kẻ bội tín”. 

Bốn phụ nữ trả lời AP cho biết quyết định tham gia IS là sai lầm thảm họa của cuộc đời họ. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã cho phép AP tiếp cận với phụ nữ tại hai trại tập trung do họ quản lý. 

Những người phụ nữ này khăng khăng họ không phải thành viên hoạt động trong tổ chức IS cũng như không liên quan đến hành động tàn ác của chúng. Họ đều nói chồng của họ không phải chiến binh IS. Tất cả sự chối bỏ và lời khai của họ đều chưa thể kiểm chứng. Cuộc phỏng vấn diễn ra với sự giám sát của nhân viên an ninh người Kurd trong phòng. 

Chú thích ảnh
Kimberly Polman, quốc tịch Canada, đọc thư trong trại Roj. Ảnh: AP

“Bằng cách nào tôi có thể ngu ngốc và mù quáng đến vậy?”, Kimberly Polman, một phụ nữ Canada 46 tuổi tự trách mình. Polman đã tự ra hàng SDF hồi đầu năm nay. 

Tìm đến với IS, các cô gái đã gia nhập vào một tổ chức mà tội ác khủng khiếp của chúng khiến cả thế giới phải căm phẫn, bao gồm cưỡng hiếp phụ nữ Yazidi, sát hạt tập thể dân thường, xử tử dã man những người phạm luật từ chặt đầu, xử bắn công khai cho đến ném từ mái nhà cao tầng xuống.  

Lời cầu khẩn muốn quay trở về nhà của họ đang là câu hỏi hóc búa về việc phải xử lý thế nào với những người đàn ông, phụ nữ đã gia nhập hàng ngũ IS cùng con cái của họ. Chính phủ các nước muốn tước quốc tịch các công dân như thế, còn SDF thì phàn nàn họ phải gánh trên vai gánh nặng xử lý những phụ nữ và trẻ em liên quan đến khủng bố. 

Al-Hol là nơi sinh sống của hơn 73.000 người đã tháo chạy khỏi các điểm ẩn nấp cuối cùng của IS, trong đó có thị trấn Baghouz bên sông Euraphates. Gần như toàn bộ người trong trại là phụ nữ và trẻ nhỏ vì đa số nam giới đều bị SDF tách riêng để xác định xem họ có phải chiến binh hay không. 
Tại khu vực dành cho những gia đình ngoại quốc – riêng biệt với người Syria và Iraq – phụ nữ và trẻ em tựa sát vào hàng rào sắt, xin nhân viên an ninh và cứu trợ cấp hàng hóa cũng như bày tỏ mong muốn được hồi hương. Nhiều người bị họ sặc sụa, phải đeo khẩu trang y tế. 

Đằng sau họ, những đứa trẻ đùa nghịch giữa đống bùn lầy, những phụ nữ giặt quần áo trong thùng nhựa. Các bé gái từ ba tuổi phải đội khăn trùm đầu, trong khi đàn ông và bé trai mặc áo choàng dài tay của vùng Trung Á. 

Gần 11.000 người được giữ trong khu vực ngoại quốc ở trại Al-Hol. Phóng viên AP đã gặp những người quốc tịch Nam Phi, Đức, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ, Tunisia và Trinidad và Tobago. 

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ nhỏ men theo con đường đá gập ghềnh để đến được nơi SDF cứu trợ. Ảnh: AP

Bốn phụ nữ trả lời phỏng vấn AP sống ở Al-Hol và Roj – một trại tập trung khác dành cho phụ nữ và trẻ em ngoại quốc – cho biết họ đã bị lừa gạt bởi những lời hứa của IS về một nhà nước lý tưởng được cai trị bởi luật Hồi giáo, thúc đẩy công lý và lối sống ngay chính. Thay vào đó, họ nói rằng cuộc sống của họ trở thành địa ngục, với những cấm đoán, hình phạt và tù đày.

Nhưng các chính phủ phương Tây tuyên bố đang tập trung vào việc hồi hương trẻ em chứ không phải cha mẹ, những người đã đưa chúng đến Syria. Chính sách hiện nay của Bỉ là đưa các công dân trẻ em dưới 10 tuổi trở về nước.

“Cho đến ngày hôm nay, ưu tiên của chúng tôi đưa trẻ em về nước bởi vì chúng là nạn nhân từ những quyết định cực đoan của cha mẹ chúng”, ông Karl Lagatie, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết.

Aliya, 24 tuổi người Indonesia, cho biết ở quê nhà cô được lớn lên trong một gia đình Hồi giáo bảo thủ song cô không tuân theo. Cho đến một ngày bị bạn trai chia tay, trái tim tan vỡ, cô dồn tâm trí vào tín ngưỡng. Để “bù đắp” quá khứ, cô gái trẻ đã tìm đến những video thuyết giáo của IS. “Tôi nghĩ họ là một nhà nước Hồi giao thực sự. Họ nói khi bạn đến caliphate, mọi tội lỗi của bạn đều được xóa bỏ”, Aliya kể lại. Cô không cung cấp tên họ đầy đủ vì không muốn gia đình ở Indonesia bị liên lụy. 

Năm 2015, Aliya bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, ấp ủ kế hoạch sang Syria. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cô gặp và kết hôn với người đàn ông Algeria cũng có ý định gia nhập IS. Tuy nhiên, anh này vẫn hoài nghi về IS và gợi ý họ nên chuyển đến Malaysia sinh sống. Cô chính là người nằng nặc đòi phải đến caliphate. Cặp đôi đã ở trong thủ đô tự xưng Raqqa của IS, ít lâu sau khi con trai Yahya của họ chào đời tháng 2/2017. 

Cô gái người Indonesia cho hay caliphate không giống như hứa hẹn. Hộ chiếu của họ bị tịch thu, mọi liên lạc đều bị kiểm soát. Chồng cô còn bị nhốt giam 1 tháng vì không chịu trở thành chiến binh. Anh ta sau đó làm việc tại phòng phụ trách trợ cấp của IS. 

Chú thích ảnh
Aliya và con trai nhỏ. Ảnh: AP

Mãi đến cuối năm 2017, phiến quân IS mới cho phép cô cùng con trai rời đi với điều kiện chồng con phải ở lại. Aliya đã không liên lạc được với chồng gần một năm nay. Bố mẹ cô đang cố gắng thuyết phục giới chức Indonesia cho phép cô hồi hương. 

“Tôi muốn nói với chính phủ nước tôi rằng tôi hối hận và hy vọng có được cơ hội thứ hai. Tôi đã bồng bột”, Aliya nói, “Có người vẫn mộ đạo IS. Còn tôi, bởi vì tôi từng sống ở đó, tôi chứng kiến bản chất thật của chúng nên tôi không muốn dính líu đến chúng nữa”. 

Hay như Gailon Lawson, người Trinidad và Tobago, thậm chí còn chia sẻ rằng cô đã hối hận từ trước khi đến caliphate. Ngay đêm cô cùng con trai và chồng mới đặt chân đến Syria năm 2014, mọi người phải chạy bán sống bán chết trong bóng tối để trốn lính biên phòng  Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi nhìn người ta chạy và đó là lúc tôi nhận ra đây là một sai lầm”, người phụ nữ 45 tuổi nói. Lúc đó, cô mới cải đạo sang đạo Hồi và cưới một người đàn ông bị cực đoan hóa. Hai người bỏ nhau không lâu sau ngày đến Syria. Mối lo lớn nhất của Lawson những năm qua là giữ con trai khỏi bị IS lôi kéo. Cậu bé đã bắt ba lần vì trốn lệnh tuyển quân. 

Trong chiến dịch bao vây Baghouz, Lawson cho con trai ăn mặc giống phụ nữ để chạy khỏi đó. Lực lượng người Kurd đã giữ con cô lại, hai người không liên lạc với nhau một tháng nay. 

Samira là một công dân Bỉ 31 tuổi. Lúc ở Bỉ, cô còn trẻ, nghiện rượu và thích đến vũ trường. Sau đó, cô "muốn thay đổi cuộc sống và tìm thấy Hồi giáo”. Qua lời truyền giáo của IS, cô tin rằng châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận người Hồi giáo và chỉ duy nhất tại caliphate, cô mới có thể trở thành một tín đồ chuẩn mực của niềm tin. “Điều đó thật ngớ ngẩn, tôi biết”, cô thừa nhận. 

Khi cô đến Syria, các tay súng IS giam chân cô trong một ngôi nhà toàn phụ nữ, sau đó đưa đàn ông có nhu cầu lấy vợ đến. Samira chọn một công dân Pháp tên Karam El-Harchaoui. Cô nói IS đã nhốt chồng cô 1 năm vì từ chối cầm súng chiến đấu. Sau khi được thả, anh ta bán gà và trứng. 

Chú thích ảnh
Vì tìm đến IS, Samira đã bị giam lỏng trong những điều lệ khắc nghiệt, gia đình chia cắt. Ảnh: AP

Năm 2016, họ đút lót tiền cho một tên buôn lậu người Syria để được trốn khỏi đây. Thế nhưng sau khi cầm tiền, hắn lại tố giác vợ chồng cô với IS. Cuối cùng, tháng 1/2018, hai người cùng với đứa con hai tuổi đã trốn thoát khỏi vòng kiểm soát của IS và ra hàng SDF. Chồng của Samira phải lĩnh án tù, đồng thời bị đưa sang Iraq xét xử. 

Cùng lúc đó, cô tỏ mong muốn được quay về Bỉ. “Những gì chúng tôi nhìn thấy ở IS là một bài học”, Samira nói về tổ chức khủng bố, “Tôi ghét chúng. Chúng bán cho chúng tôi một giấc nhưng nó lại là một nhà tù. Chúng giết người vô tội. Tất cả hành động chúng làm không thuộc về Hồi giáo”.

Lagatie, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bỉ, tuyên bố rằng chính phủ nước này không bình luận về bất kỳ trường hợp cá nhân nào, song cho biết Samira là người “giới chức Bỉ nắm rõ”.

Kimberly Polman, quốc tịch Canada, đến caliphate cùng chồng mới, người đàn ông cô quen trên mạng. Một người thân của Polman tại Canada đã liên lạc với AP để xác nhận một phần thông tin về cô. Ngay sau khi họ gặp gỡ tại Syria, người chồng trở nên vũ phu và họ chia tay. Polman lại kết hôn lần nữa. Polman làm việc trong bệnh viện, chữa trị cho trẻ em bị thương vì giao tranh. “Tôi chứng kiến không ít trẻ em thiệt mạng”, cô nói. Polman nhớ lại những ngày lau vết máu trên sàn bệnh viện và lần ngã gục sau khi không thể cứu sống một em bé 4 tháng tuổi. Theo cô, IS phải chịu trách nhiệm cho nỗi kinh hoàng này. 

Đầu năm 2019, Polman cùng chồng đầu hàng SDF. Cô muốn trở về Canada nhưng cũng hiểu rõ đường về không dễ dàng gì. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nhìn lại sức ảnh hưởng của IS từ vụ khủng bố ở Sri Lanka
Nhìn lại sức ảnh hưởng của IS từ vụ khủng bố ở Sri Lanka

Vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu tại Sri Lanka cho thấy dù bị đánh bại ở Syria và Iraq, nhưng sức ảnh hưởng từ tư tưởng của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn còn rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN