Ông Lee Kun-hee, tên tuổi gắn với hành trình biến Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đã qua đời vào ngày 25/10/2020. Các tài sản của ông để lại bao gồm lượng cổ phần lớn trong các chi nhánh của Samsung trị giá 17 tỉ USD.
Việc gia đình ông Lee xử lý hóa đơn thuế thừa kế khổng lồ - một trong những hóa đơn thuế loại này lớn nhất trong lịch sử ở cả Hàn Quốc và toàn cầu – đang được theo dõi chặt chẽ, vì nó có thể dẫn đến nới lỏng cổ phần kiểm soát của gia đình Lee tại Samsung.
Theo hãng tin Reuters, gia đình cố doanh nhân tỷ phú đã thảo luận sử dụng cổ phần tại các công ty chi nhánh Samsung làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cá nhân để thanh toán một phần hóa đơn thuế - một biện pháp sẽ tránh được việc bán các cổ phần lớn của họ tại Samsung Electronics.
Tuyên bố của gia đình ông Lee ngày 28/4 không đưa ra chi tiết về cách thức phân chia cổ phiếu của ông cho những người thừa kế, hoặc liệu có bất kỳ cổ phiếu nào sẽ được bán.
Các nhà phân tích dự đoán, bên cạnh phương án vay thế chấp, gia đình dự kiến sẽ sử dụng cổ tức từ cổ phiếu của cả họ và của ông Lee để trả thuế.
Tài sản ông Lee Kun-hee để lại bao gồm 4,18% cổ phần tại Samsung Electronics, 0,08% cổ phần ưu đãi của Samsung Electronics, 20,76% cổ phần tại Samsung Life Insurance (Công ty Bảo hiểm nhân thọ Samsung), 2,88% cổ phần tại Samsung SDS. Và theo định giá mã số thuế của Hàn Quốc, số cố phần này trị giá khoảng 18,96 nghìn tỷ won (17 tỷ USD).
Mã số thuế của Hàn Quốc cho phép thanh toán theo từng đợt, với 1/6 tổng trị giá hóa đơn thuế phải trả trước, sau đó là phần còn lại trong 5 năm với lãi suất hàng năm hiện ở mức 1,2%.
Gia đình Lee cũng tuyên bố sẽ quyên góp 1 nghìn tỷ won cho các tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả việc thành lập một phòng thí nghiệm chuyên sâu về các bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bộ sưu tập đồ cổ và tranh phong phú của Lee Kun-hee sẽ được tặng cho Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và các tổ chức văn hóa khác.
Ông Lee Kun-hee thừa kế "vương miện" Samsung vào năm 1987 ở tuổi 45 khi cha ông, Lee Byung-chull, người sáng lập tập đoàn Samsung, qua đời.
Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn đã phát triển trở thành nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới Samsung Electronics Co. và hàng chục chi nhánh khác nhau, từ Samsung Life Insurance Co. đến Samsung Heavy Industries Co.
Lee Kun-hee, sinh năm 1942, bắt đầu tham gia quản lý chính thức tại Samsung vào năm 1978, khi ông được thăng chức làm Phó chủ tịch Tập đoàn, bước đầu tiên để chuẩn bị cho tiếp quản "ngai vàng" Samsung.
Năm 1993, ông Lee Kun-hee công bố triết lý kinh doanh đầu tiên của mình, "Sáng kiến Quản lý Mới", được Samsung áp dụng như một học thuyết cho đến nay. Câu nói nổi tiếng nhất của ông từ triết lý đó là "Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn."
Hai năm sau, ông Lee đã tự tay đốt 150.000 chiếc điện thoại không dây cho tất cả mọi người xem để gửi thông điệp rằng ông sẽ không dung thứ cho những sản phẩm lỗi.
Năm 2006, ông công bố "Sáng kiến Quản lý Mach", so sánh Samsung với một chiếc máy bay - không chỉ phải thay đổi động cơ mà còn tất cả các vật liệu và hệ thống để có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. "Samsung cũng phải thay đổi cấu trúc và cốt lõi bên trong của mình để đưa tập đoàn lên vũ đài thế giới" - Lee Kun-hee tuyên bố.
Sau khi ông Lee qua đời tháng 10/2020, việc tái cơ cấu các công ty con của Samsung và ai là người kế vị tập đoàn đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Lee Kun-hee có 3 người con và vợ vẫn còn sống. Bà Lee Boo-jin, con gái lớn của ông, hiện quản lý chuỗi khách sạn Shilla thuộc Samsung; bà Lee Seo-hyun phụ trách Quỹ phúc lợi Samsung. Người con trai duy nhất, ông Lee Jae-yong là Phó Chủ tịch của Samsung Electronics.