Theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá dầu ô liu toàn cầu đã tăng lên 8.900 USD/tấn vào tháng 9 năm nay, do thời tiết khô hạn nghiêm trọng ở khu vực Địa Trung Hải. USDA cũng cho biết giá trung bình trong tháng 8 đã cao hơn 130% so với năm trước và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tây Ban Nha, nước sản xuất và xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu đợt hạn hán dữ dội trong nhiều tháng. Theo cơ quan khí tượng quốc gia AEMET, nước này cũng vừa ghi nhận mùa hè nóng thứ ba liên tiếp khi nhiệt độ trung bình vào mùa hè cao hơn bình thường 1,3°C.
Theo dữ liệu từ công ty hàng hóa Mintec, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha trong mùa gần đây đã giảm xuống khoảng 610.000 tấn - giảm hơn 50% so với mức thông thường là 1,3 đến 1,5 triệu tấn.
Kyle Holland, nhà phân tích tại Mintec, nói với CNBC: “Tình hình còn trở nên phức tạp hơn khi không chỉ ở Tây Ban Nha, sản lượng của các nước sản xuất dầu ô liu lớn khác tại châu Âu như Italy và Hy Lạp cũng sụt giảm do hạn hán”.
Theo Hội đồng Ô liu Quốc tế (IOC), một tổ chức gồm các nước thành viên chiếm hơn 98% sản lượng dầu ô liu trên toàn cầu thì Hy Lạp và Italy là nhà sản xuất loại dầu này lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Giá dầu ô liu ở khu vực Andalusia, Tây Ban Nha đã tăng lên 8,45 euro/lít trong tháng 9. Đây là mức giá cao nhất từng được ghi nhận đối với dầu ô liu Tây Ban Nha, với mức tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả tăng vọt khiến dầu ô liu - vốn được ví là "vàng lỏng" - bị đánh cắp nhiều.
Theo truyền thông địa phương, khoảng 50.000 lít dầu ô liu nguyên chất tại Marin Serrano El Lagar, một trong những nhà máy dầu ăn của Tây Ban Nha đã bị đánh cắp vào rạng sáng ngày 30/8. Đó là số dầu ô liu trị giá hơn 420.000 euro, tương đương 10,9 tỷ đồng. Và cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa bắt được nghi phạm.
Song đó chưa phải là vụ trộm dầu ô liu duy nhất. Trước khi vụ trộm lớn này xảy ra, những tên trộm đã lấy đi 6.000 lít dầu ô liu nguyên chất trị giá 50.000 euro (tương đương 1,3 tỷ đồng) từ nhà máy dầu Terraverne.
Chuyên gia Holland cảnh báo rằng nếu sản lượng dầu ô liu tiếp tục sụt giảm do hạn hán, nguồn cung có thể cạn kiệt trước tháng 10.
Ông cho rằng vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia sản xuất dầu ô liu quan trọng của thế giới - cấm xuất khẩu dầu ô liu số lượng lớn đến ngày 1/11. Đây cũng là một động thái do giá toàn cầu tăng vọt.