Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục này. Ngày 15/6, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga thông báo dừng hoạt động một động cơ tuabin khí khác của Siemens do các vấn đề trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa. Sụt giảm nguồn cung từ Nga đã ảnh hưởng lớn đến Pháp, Italy, Áo, Đức.
Lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu lần đầu tiên giảm xuống kể từ giữa tháng 4 vừa qua. Theo dữ liệu mới nhất, kho dự trữ khí đốt của “lục địa già” đã giảm 1%, mặc dù khí đốt thường chỉ được bơm vào trong giai đoạn mùa Hè và được dự trữ cho đến thời gian cao điểm của mùa Đông.
Theo dự báo khá bi quan của Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie Ltd., trong trường hợp Dự án dòng chảy phương Bắc bị đóng cửa hoàn toàn, châu Âu sẽ không thể tích lũy được lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra. Trong trường hợp này, khí đốt của châu Âu sẽ hết vào tháng 1/2023.
Trong khi đó, tập đoàn Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Ukraine tại trạm Sudzha xuống 41,4 triệm m3 trong ngày 18/6 so với 41,9 triệu m3 ngày 17/6.
Trước đó, ngày 14/6, Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Đức từ 167 triệu m3/ngày xuống 100 triệu m3/ngày. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu tiếp tục giảm thêm trong ngày 16/6 khi công ty dầu khí Eni của Italy cho biết công ty này sẽ chỉ nhận được 65% khối lượng khí đốt yêu cầu trong một ngày từ Gazprom. Gazprom giải thích nguyên nhân là do các vấn đề liên quan đến trạm bơm Portovaya. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc giảm nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu trong thời gian gần đây không phải được lên kế hoạch từ trước mà xuất phát từ các vấn đề liên quan việc bảo dưỡng tuabin do các lệnh trừng phạt khiến những thiết bị được gửi đi để sửa chữa bị hoàn trả chậm.
Theo Gazprom, khối lượng khí đốt mà tập đoàn này xuất khẩu cho các nước không thuộc Liên Xô trước đây trong giai đoạn từ ngày 1/1 – 15/6 vừa qua đã giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.