Cụ thể, Mỹ đã thay thế Italy ở châu Âu trở thành “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới khi ghi nhận hơn 102.464 ca virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cao nhất thế giới. Thứ hai là Italy với 86.498 ca nhiễm, tiếp đến là Trung Quốc với 81.394 ca nhiễm. Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, tập trung hơn 50% số ca nhiễm của cả nước Mỹ.
Về số ca tử vong, Italy đứng đầu danh sách với 9.134 bệnh nhân tử vong (tăng 919 người trong 24 giờ qua), tiếp đến là Tây Ban Nha (5.138 ca - tăng 773 ca), Trung Quốc (3.295 ca - tăng 3 ca), Iran (2.378 ca - tăng 144 ca). Tuy đứng đầu về số ca nhiễm mới, Mỹ hiện ghi nhận 1.607 trường hợp tử vong, tăng 312 ca.
Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại nhiều nước khác. Tây Ban Nha thông báo tổng số ca nhiễm 65.719, tăng 7.933 ca và số tử vong là 5.138 (tăng 773 người). Trong khi đó, tính tới rạng sáng ngày 28/3 (giờ Việt Nam), Tổng cục Y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người. Trong số 15.732 bệnh nhân phải nhập viện, 3.787 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Khoảng 30% bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi, 42 người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi. Số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện là 5.700.
Tổng số ca tử vong tại Anh đã lên đến 759 người, với 14.543 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Mark Hancock đã thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng với triệu chứng nhẹ và tự cách ly tại nhà.
Canada cũng ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 6% phải nhập viện điều trị và 1% (39 người) tử vong. Chile thông báo thêm 304 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.610 người. Đây là số ca nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày kể từ khi Chile công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 3/3.
Tại châu Á, Trung Quốc ghi nhận 54 ca nhiễm SARS-CoV-2 từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm từ nước ngoài lên thành 649 ca. Trong khi đó, báo cáo cập nhật sáng 28/3 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo không có ca lây nhiễm COVID-19 nội địa nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27/3. Tính đến hết ngày 27/3, có tổng cộng 81.294 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục và 3.295 người đã tử vong do căn bệnh này.
Trung Đông tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2. Iran ghi nhận tổng cộng 32.332 ca nhiễm bệnh (tăng 2.926 ca) và 2.378 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đã có thêm 17 trường hợp tử vong do COVID-19, qua đó nâng tổng số người tử vong do căn bệnh lên thành 92 trường hợp. Ngoài ra, tổng số ca nhiễm mới hiện đã lên tới 5.698 trường hợp.
Bộ Y tế Iraq cùng ngày 27/3 xác nhận thêm 4 trường hợp tử vong do COVID-19 và có thêm 76 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này lên thành 458 người. Bộ Y tế Oman ngày 27/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 22 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên tới 131 trường hợp. Ngoài ra, hiện có 23 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và ra viện.
Tại Qatar, hiện đã có 549 người mắc COVID-19, trong đó có 12 ca nhiễm mới và 43 trường hợp đã khỏi bệnh. Ai Cập thông báo đã có thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19 và 41 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở Ai Cập là 536 trường hợp, trong đó có 30 người tử vong.
Ngoài ra, hiện 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bị COVID-19 tấn công trong khi một tháng trước đó chỉ có một quốc gia bị ảnh hưởng. Dịch bệnh diễn biến theo hướng nghiêm trọng khi trong những ngày gần đây, châu Phi ghi nhận 300 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.