Gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thất nghiệp 

Tháng 6 vừa qua, gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã không tìm được việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,3%. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin đây là mức tăng mạnh so với tỷ lệ 18,4% trong tháng 5 và đánh dấu mức tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuộc cạnh tranh tìm việc ngày càng gay gắt giữa những người từ 16-24 tuổi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý 2 năm 2022.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Tình trạng trên phần lớn do chiến lược phòng chốn COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh, vốn đã khiến Thượng Hải và các thành phố lớn khác phải phong toả diện rộng. Đó những yếu tố khiến môi trường tìm việc của đội ngũ sinh viên vừa ra trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) trước đây từng lưu ý rằng sinh viên mới tốt nghiệp thường đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm, song tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nói chung đã tăng đều kể từ tháng 10 năm ngoái. Dữ liệu này đạt kỷ lục mới kể từ khi tăng lên 18,2% vào tháng 4/2022, trở thành con số cao nhất kể từ lần đầu Trung Quốc công bố dữ liệu hàng tháng vào năm 2018.

Việc có thêm 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm vốn hạn hẹp sẽ đẩy tỷ lệ này lên cao hơn nữa. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ những người trẻ tuổi Trung Quốc đang tham gia thị trường việc làm là thấp hơn so với những người đồng trang lứa ở các nền kinh tế lớn khác.

Vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cùng độ tuổi ở Mỹ là 8,1%. Vào tháng 5, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của thanh niên thuộc Liên minh châu Âu là 13,3%. Tỷ lệ này của Nhật Bản vào tháng 5 là 3,8%.

Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS hôm 16/7 cho biết giới trẻ Trung Quốc thực sự phải đối mặt với nỗi áp lực tìm việc làm.

Ông Fu nói: “Bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khả năng tiếp nhận việc làm của các công ty đã giảm và các kênh tìm kiếm việc làm của thanh niên cũng bị hạn chế. Ông cho biết chính phủ sẽ triển khai thêm các chính sách để cải thiện tình hình. 

Nhưng một số nhà phân tích nghi ngờ rằng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy đến đối với nhóm đối tượng là những người trẻ đang tìm việc làm, trong bối cảnh kinh tế đầy rẫy bất ổn và khó khăn như hiện nay. 

Ông Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Oxford Economics, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng các điều kiện thị trường lao động tổng thể sẽ vẫn giảm trong một thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể tăng cao hơn nữa vì những người trẻ tuổi sẽ rất khó kiếm được việc làm trong điều kiện thị trường lao động như vậy”.

NBS cho biết thị trường việc làm nói chung đã thực sự cải thiện một chút trong tháng 6. Sau khi tăng lên mức cao nhất gần hai năm là 6,1% vào tháng 4, tỷ lệ này đã giảm xuống 5,9% vào tháng 5 và sau đó là 5,5% vào tháng trước.

Chú thích ảnh
Năm ngoái, hơn 2,12 triệu thí sinh đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển công chức Trung Quốc, cạnh tranh vào 31.200 vị trí tuyển dụng. Ảnh: Weibo

“Tỷ lệ thất nghiệp thành thị có thể được cải thiện phần nào trong nửa cuối năm, nhưng với tốc độ dần dần”, ông Wu nói. Theo ông, những công việc liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng có thể sẽ tăng lên nhờ chính sách kích cầu trong lĩnh vực này. Nhưng các dịch vụ tiêu dùng và hoạt động của lĩnh vực tư nhân nói chung sẽ bị đình trệ, do đó, triển vọng việc làm tổng thể sẽ vẫn đáng lo ngại.

Cạnh tranh gay gắt hơn cùng vấn nạn sa thải hàng loạt tại các công ty tư nhân đã làm gia tăng thêm những biến động trên thị trường việc làm. Các ngành thường thu hút lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp - bao gồm các công ty internet, tài chính, lĩnh vực bất động sản và dạy thêm - đều đang đều chịu sức ép từ các biện pháp chống dịch. 

Wang Yixin, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, còn lưu ý về thực trạng một số sinh viên mới tốt nghiệp “không muốn ổn định” trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Bà Wang cũng bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường việc làm trong những tháng tới, với khả năng cải thiện khi tăng trưởng kinh tế phục hồi trong quý 3 và quý 4. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng cần các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ để giúp các sinh viên vừa ra trường tìm được chỗ đứng trên thị trường việc làm.

Ngay cả sau hai tháng ngừng phong toả, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Thượng Hải 7% trong tháng 6 vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc là 5,5%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý hai của thành phố là 12,5%, tệ hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước là 5,8%.

Ông Tommy Wu nói với Oxford Economics: “Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian để thị trường lao động của Thượng Hải trở lại đúng hướng sau khi bị phong toả trong quý thứ hai, đặc biệt là nỗi lo ngại về các đợt phong tỏa mới vẫn còn ám ảnh người dân và doanh nghiệp ở Thượng Hải”.

Theo nhà kinh tế trưởng Louis Kuijs tại S&P Global Ratings, vào nửa cuối năm nay, hoạt động tiêu thụ nội địa và dịch vụ yếu trong bối cảnh chính sách phòng dịch bệnh vẫn được duy trì tiếp tục là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Trung Quốc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Người dân Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt
Người dân Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt

Hôm 13/7, đợt nắng nóng gay gắt đã quét qua lưu vực sông Dương Tử rộng lớn của Trung Quốc, ảnh hưởng tới các siêu đô thị đông dân từ Thượng Hải đến thành phố Thành Đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN