Theo phóng viên TTXVN tại Đức, với một hiệp ước chống đại dịch được các Bộ trưởng Y tế G7 thông qua sau hai ngày họp tại Berlin ngày 20/5, các nước G7 muốn xây dựng một mạng lưới chuyên gia toàn cầu nhằm nhận dạng các đợt bùng phát đại dịch trong tương lai một cách nhanh chóng hơn để có thể phản ứng một cách hiệu quả hơn. Các chuyên gia tham gia mạng lưới sẽ được tập huấn và đào tạo để có thể sớm nhận ra các đợt bùng phát và hạn chế các hậu quả của đại dịch.
Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach của Đức - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, gọi kết quả đạt được tại Hội nghị là một thành công lớn, nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại, do vậy, các nước cần phải chuẩn bị tốt để không bị động và bất ngờ như đại dịch hiện nay. Ông Lauterbach cũng cho rằng quá trình biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai và gây ra những hậu quả với sức khoẻ con người.
Với quyết định trên, các hệ thống cảnh báo sớm sẽ được củng cố để có thể ứng phó một cách hiệu quả với các đại dịch xảy ra trong tương lai. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ được tăng cường về mặt tài chính và trong dài hạn, các nước G7 muốn tăng 50% mức đóng góp bắt buộc của mình để WHO có thể thực hiện tốt hơn vai trò tiên phòng của tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới này. Ngoài ra theo kế hoạch, tới cuối năm 2023, các nước G7 muốn xây dựng các mục tiêu về cách hạn chế sử dụng kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc. Bộ trưởng Lauterbach gọi đây là một "đại dịch thầm lặng", bởi tình trạng kháng thuốc kháng sinh mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người trên toàn thế giới, gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế và xã hội.
Liên quan trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Đức, tại cuộc họp báo sau hội nghị trên, Bộ trưởng Lauterbach cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan tới Đức chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên theo ông, ở thời điểm hiện tại, virus này không dễ lây lan và ổ dịch có thể được ngăn chặn, những người tiếp xúc được theo dõi. Ông cũng không cho rằng có nhiều trường hợp mắc bệnh chưa được ghi nhận.